Phụ nữ xã Quảng Thành phân loại rác thải trước khi thu gom tại nhà

Quá tải

Đã thành thói quen, bà Loan (phường Đúc, TP. Huế cũng như nhiều người tiêu dùng khác mỗi lần đi chợ, lại mang về nhà một số lượng không nhỏ túi ni lông. Sau khi sử dụng, những túi ni lông này được cho vào thùng rác, lẫn với nhiều loại rác thải sinh hoạt khác. Theo bà Loan, đọc trên sách báo cũng biết sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm, nhất là những loại tái chế sẽ gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng không tốt tới môi trường nhưng không thay đổi được. Xách giỏ đi chợ vừa cồng kềnh, nhưng rồi vẫn phải bỏ thực phẩm vào túi ni lông mang về, mà mang theo hộp đựng thực phẩm thì bất tiện… Vì thế vẫn chọn đi tay không và xách về một loạt túi ni lông.

Rẻ, tiện là những ưu điểm mà túi ni lông mang lại tức thời mà người ta có thể nhìn thấy, còn những hạn chế cũng như tác hại của túi ni lông rất khó nhận thấy bằng mắt thường. Đó là lý do khiến túi ni lông vẫn được nhiều người ưa chuộng sử dụng. Số liệu thống kê từ Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế, mỗi ngày toàn tỉnh phát thải khoảng 650 tấn rác sinh hoạt, riêng TP. Huế khoảng 240 tấn và đã tiến hành thu gom xử lý 230 tấn, chiếm tỷ lệ 96% lượng rác phát thải, riêng khu vực trung tâm thành phố tỷ lệ thu gom đạt 100%. Cũng theo điều tra của công ty, thành phần rác sinh hoạt thành phố chủ yếu là chất hữu cơ, trong đó, thực phẩm dư thừa chiếm 60,09%; rác vườn 7,88%; giấy và carton chiếm 7,36%, vải 6,5%; nhựa 14,42%; cao su và da 0,93%; gỗ 0,06%; còn lại là các chất vô cơ như thủy tinh, nhôm, sắt, sành sứ…

Túi ni lông tràn lan trên sông ở Quảng Thành, Quảng Điền

Tại TP. Huế, mỗi ngày thải ra khoảng 34 tấn rác thải nhựa các loại, nhưng mới chỉ có 10% được thu gom tái chế. Hiện, rác thải sinh hoạt khu vực thành phố chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Thủy Phương. Tại đây rác được phun chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi, sau đó được san ủi đầm nén. Bãi rác được vận hành theo hình thức cuốn chiếu, lấp đầy và đóng cửa từng ô rồi trồng cỏ tạo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, rác thải nhựa, nhất là túi ni lông lẫn trong rác rất khó phân hủy, khi chôn trong rác làm ảnh hưởng đến quá trình phân hủy tự nhiên của rác, làm chậm quá trình ổn định của các ô rác.

Cộng đồng cùng chung tay

Tại hội thảo truyền thông phổ biến kiến thức về hạn chế sử dụng túi ni lông do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật vừa tổ chức, Thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chỉ rõ: “Trong các giải pháp hạn chế túi ni lông thì giảm thiểu là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Giảm thiểu sử dụng túi ni lông trước mắt cần bắt đầu từ ý thức của mỗi người, từ việc nhận thức được tác hại của túi ni lông sẽ hạn chế và tiến tới loại bỏ dần việc sử dụng. Các nhà quản lý, cơ quan chức năng liên quan cần tập trung truyền thông cho các đối tượng người tiêu dùng, nhà bán lẻ, nhà sản xuất về tác hại của túi ni lông đối với nền kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng, cũng như có những định hướng trong vấn đề sản xuất và sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường”.

Việc chọn đối tượng trung tâm trong hoạt động động truyền thông cũng tạo nên chuyển biến tích cực trong hoạt động tuyên truyền. Mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường bền vững” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Hương Trà xây dựng được xem là điển hình.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hương Trà chia sẻ: Thời gian qua, hội có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng các mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông. Trong đó, phải kể đến mô hình “Phụ nữ hạn chế túi ni lông khi đi chợ”, “Bảo vệ môi trường xanh vì nếp sống văn minh đô thị”... Ngoài hoạt động tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, các chi hội còn trích tiền lãi từ các nguồn tiết kiệm tại chỗ mua tặng mỗi hội viên phụ nữ một giỏ nhựa, hộp nhựa đựng thức ăn khi đi chợ. Hiện đã có trên 3.000 chiếc giỏ nhựa được đưa vào sử dụng có hiệu quả. Các hội, chi hội còn xây dựng quy chế sử dụng giỏ và hộp nhựa khi đi chợ trên tinh thần giám sát lẫn nhau, có khen thưởng và xử phạt..., góp phần tạo chuyển biến lớn trong nhận thức của từng hội viên và gia đình.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN