Sau trận tranh Siêu cúp Quốc gia, V. League 2017 sẽ khởi tranh. Ảnh: Internet

Tôi thuộc loại dân nghiện bóng đá nên cũng khá tỏ tường. Để định hình được tên gọi Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia như hiện nay, bóng đá Việt Nam đã năm lần bảy lượt thay tên, đổi họ. Vào thập niên 80 của thế kỷ 20 là Giải Bóng đá A1 toàn quốc. Từ năm 1990 đến 1996 là Giải Bóng đá các đội mạnh toàn quốc, rồi Giải Hạng nhất Quốc gia (1997 - 2000). Trước khi mang tên Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia, bóng đá Việt lại có thêm 3 năm mang tên Giải Vô địch Quốc gia chuyên nghiệp (2000 - 2003). Là dân thường xuyên xem bóng đá, tôi quan tâm hai điều.

Một là, các trận banh đá ở đâu. Hàng chục năm liền, bóng đá Việt Nam có kiểu chơi không giống ai, đó là không có khái niệm sân nhà hay sân khách. Quyền định sân đấu là của ban tổ chức. Thế nên mới bất ngờ có chuyện 2 đội bóng ở tận đẩu đâu kéo nhau về sân vận động Tự Do “hành hạ” nhau. Xem bóng đá kiểu này cũng đỡ ghiền vì một thời gian dài Huế mình đâu có đội bóng đỉnh cao, nếu không có sắp xếp và cả ưu ái nữa của ban tổ chức thì sân Tự Do chỉ có cách “trồng cỏ nuôi bò”. Tuy nhiên, người xem chẳng có quân ta, phe mình để cổ vũ, có khi chẳng biết cầu thủ và đội bóng nào đang đá nên ủng hộ chỉ theo kiểu cảm tính, ai đá hay thì vỗ tay. Nó nhạt và mất hứng.

Hai là, giải đấu kéo dài bao lâu trong năm. Mấy chục năm trước, Giải Bóng đá A1 toàn quốc hay Giải Bóng đá các đội mạnh toàn quốc kéo dài chỉ chừng nửa năm là “hết xôi rồi việc”. Hiện nay đã đổi thay ít nhiều nhưng chỉ 8 - 9 tháng là xong. Ở Tây cũng nghỉ nhưng ít hơn ta nhiều, còn bảo thủ kiểu như người Anh thì ngay cả ngày đầu năm mới cầu thủ cũng phải quần áo ra sân phục vụ khán giả. Nói vậy để thấy phận “quần đùi, áo số” ở xứ mình từa tựa nhưng ông nông dân xứ Huế với thời gian “nông nhàn” kéo rất dài mà nói cho rõ là thất nghiệp.  

Không còn cảnh đá bóng trên sân lạ, nhưng phải nghỉ dài dài trong năm là chuyện thường tình của bóng đá Việt Nam. Sử dụng cầu thủ kiểu “bóng đá nhà nghề” tây phương, quanh năm phải cày ải trên sân cỏ cũng khiếp, thể lực cầu thủ Việt dễ bị vắt kiệt. Thế nhưng, nhàn nhã để rồi khó khăn như cầu thủ xứ ta thì cũng chẳng hay ho tý nào. Mỗi năm nghỉ hàng mấy tháng ròng cũng nảy sinh lắm chuyện đáng bàn. Đầu tiên là trình độ khó được nâng lên bởi thiếu cọ xát. Sau nữa là tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”, cầu thủ thường vướng mắc vào những scandal bên ngoài sân cỏ.

Trở lại sân cỏ mùa giải 2017. Sau nhiều năm vắng bóng, thậm chí bị xóa sổ, bóng đá Sài Gòn trở lại với 2 đội tham dự V. League 2017, đó là TP. Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC. TP. Hồ Chí Minh đá với Sài Gòn cũng hay! Bóng chưa lăn, bóng đá Sài Thành đã tạo tiếng vang bằng cách cử Công Vinh vừa giã từ sân cỏ giữ chức Phó Chủ tịch Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh. Gần như ngay lập tức “chất Nghệ” trỗi dậy, ông trẻ này cùng lúc trảm liền 6 cầu thủ trong biên chế. Đáng nói là việc làm của Công Vinh được các bậc đàn anh như Lê Thụy Hải khen, bóng đá cần một chút cay cú và CLB TP. Hồ Chí Minh vô tình hoặc hữu ý đang tạo ra bầu không khí cay cú nhưng tích cực như thế.

Mùa vụ mới của V. League 2017, nhìn chung, bóng đá Việt đỉnh cao vẫn chưa thấy nhiều đột biến. Bản đồ bóng đá vẫn trải đều ở cả 3 miền, gồm 5 đội bóng Nam Bộ, 6 đội miền Trung - Tây Nguyên và 3 đội miền Bắc. Tuy có số lượng ít nhất nhưng 3 đội miền Bắc là Hà Nội T&T, Hải Phòng và Quảng Ninh đều là những đại gia có tham vọng và tư cách đoạt ngôi vương mùa này.

ĐAN DUY