Trong năm, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào phát điện 5 tổ máy với tổng công suất 2.305 MW, gồm tổ máy 2 và 3 thủy điện Lai Châu, tổ máy 2 thủy điện Huội Quảng, nhiệt điện Duyên Hải 3; trong đó thủy điện Lai Châu đã vượt trước 1 năm so với tiến độ Quốc hội giao.

Các dự án nguồn điện cấp bách cấp điện cho miền Nam tại các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải và các dự án trọng điểm như nhiệt điện Thái Bình, thủy điện Thác Mơ mở rộng, thủy điện Đa Nhim mở rộng cơ bản bám sát mục tiêu được giao. Các dự án khác như thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch bậc thang. Các dự án thủy điện Trị An mở rộng và thủy điện tích năng Bắc Ái đã trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để triển khai các bước tiếp theo.

Các dự án nhiệt điện Ô Môn III và IV hiện Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Ô Môn. Tập đoàn cũng trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch các dự án điện mặt trời Phước Thái, tỉnh Ninh Thuận (công suất 200MW); Sông Bình, tỉnh Bình Thuận (công suất 200MW); dự án điện mặt trời tại Nhà máy thủy điện Trị An, tỉnh Đồng Nai (công suất 126MW).

Đối với các dự án tại các Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Tập đoàn đã tổ chức khảo sát, kiểm tra mặt bằng xây dựng; tiếp tục hiệu chỉnh quy hoạch Trung tâm và Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cơ sở hạ tầng và dự án Nhà máy điện Quảng Trạch I. Đối với các dự án tại Trung tâm Điện lực Tân Phước, Tập đoàn giao Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận quản lý các dự án và chỉ đạo triển khai lập báo cáo Quy hoạch địa điểm theo hướng nghiên cứu đầu tư các dự án sử dụng khí LNG thay cho các dự án nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Cũng trong năm 2016, Tập đoàn đã hoàn thành 297 công trình lưới điện; trong đó có các công trình trọng điểm đảm bảo cấp điện miền Nam như: trạm 500kV Pleiku 2, đường dây 220kV Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới góp phần nâng cao năng lực hệ thống truyền tải Bắc – Nam; trạm biến áp (TBA) 500kV Mỹ Tho, các TBA 220kV Hàm Tân, Mỹ Xuân, Vũng Tàu, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và các đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn -Rẽ Bình Tân, Phan Thiết - Phú Mỹ 2.

Bên cạnh đó, các công trình lưới điện quan trọng đảm bảo cấp điện cho TP. Hà Nội và khu kinh tế trọng điểm miền Bắc như: trạm 500kV Phố Nối, nâng công suất trạm 500kV Thường Tín, các TBA 220kV Sơn Tây, Long Biên, Đông Anh, Phú Bình máy 2; các trạm biến áp và đường dây 110kV trên địa bàn TP. Hà Nội.

Toàn cảnh công trình nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Đối với các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, năm 2016, EVN đã hoàn thành các dự án cấp điện xã đảo Cái Chiên (Quảng Ninh), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ (Kiên Giang), dự án cấp điện cho 5.000 hộ dân tại Sơn La. Các dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện tại huyện Mường Khương (Lào Cai) và cấp điện cho 2.800 hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La dự kiến hoàn thành đóng điện trước Tết Nguyên đán 2017.

Ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong năm, Tập đoàn tiếp tục duy trì tốt quan hệ đối tác tin cậy với các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB, AfD, JICA, KfW....), do vậy đã thu xếp vốn nước ngoài cho các dự án điện với tổng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt 2,96 tỷ USD; trong đó giá trị ký kết đạt 1,03 tỷ USD, đàm phán 170 triệu USD và chuẩn bị thực hiện các dự án mới đạt 1,76 tỷ USD.

Đánh giá về công tác đầu tư xây dựng trong năm 2016, Tổng Giám đốc EVN cho rằng nhờ hoàn thành các dự nguồn, lưới điện quan trọng để nâng cao năng lực cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia nên đã nâng cao hiệu suất vận hành các nhà máy điện, các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện; đồng thời từng bước chuẩn hóa thiết bị trên hệ thống điện. Đặc biệt, các dự án nguồn và lưới điện được đáp ứng đầy đủ vốn thanh toán, không có dự án nào phải dừng thi công do thiếu vốn.

Trong quá trình thực hiện đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các ban chức năng của Tập đoàn và các Tổng công ty đã theo dõi, bám sát hiện trường và phối hợp tốt với đơn vị tư vấn, các nhà thầu và các bộ, ngành có liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, nghiệm thu khối lượng và chất lượng theo tiến độ thi công.

Theo ông Đặng Hoàng An, hệ thống luật và các văn bản pháp quy của Nhà nước trong công tác đầu tư xây dựng đã được ban hành đầy đủ là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác quản lý đầu tư dự án điện. Tuy nhiên, do một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng còn thiếu tính thống nhất, chồng chéo đã gây nên những khó khăn nhất định.

Nguyên do các dự án điện EVN làm chủ đầu tư thường có quy mô lớn, nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải tuân thủ theo nhiều quy định ở các bước triển khai khác nhau dẫn tới công tác chuẩn bị đầu tư thường bị kéo dài, đặc biệt các bước thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư như dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng và Ialy mở rộng. Một số dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật mới như thủy điện tích năng Bác Ái,  do đó các bộ, ngành yêu cầu phải thực hiện lại từ giai đoạn chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, công tác bồi thường, di dân tái định cư và giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp. Đồng thời do các dự án điện với quy mô lớn và liên quan đến nhiều địa phương nên bên cạnh những thay đổi về đơn giá thì chế độ chính sách bồi thường từng địa bàn khác nhau gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án. Nhất là thời gian thi công một số dự án lưới điện truyền tải bị kéo dài do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, như đường dây 500-220kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, các đường dây 220kV Bảo Thắng - Yên Bái, Phan Thiết - Phú Mỹ 2, Hòa Bình - Tây Hà Nội...

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số đơn vị, một số Ban Quản lý dự án còn chưa tốt... là những vấn đề còn tồn tại trong công tác đầu tư xây dựng của EVN trong năm 2016.

Theo TTXVN