Thỉnh thoảng vào Hội An, tôi vẫn thả bộ dọc các phố cổ cùng du khách đó đây. Có lần ghé vào một nhà hàng bán đèn lồng, tôi được biết chị chủ nhà là người Huế. Cả ba thế hệ trong ngôi nhà này cùng làm và bán đèn lồng. Mỗi ngày chị chủ nhà gửi theo xe open tour ra Huế một vài bao tải xếp đầy đèn lồng. Đối tượng phục vụ là du khách, và chính người Huế có nhu cầu thổi hồn cho ngôi nhà cổ của mình, hoặc có nhà hàng trang trí theo lối xưa.

Chuẩn bị đón tết trong gia đình người Huế (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Vũ Phạm

Lần khác vào Nha Trang, một đồng nghiệp dẫn tôi đến thăm một làng chuyên làm nước mắm. Thấy suốt ngày xe nhỏ, xe lớn vào “ăn hàng” toả đi muôn phương tôi mới giật mình, chợt nhớ có đến cả mấy chục năm nay rồi người Huế đã ít dùng nước mắm và ruốc từ miệt biển Thuận An, Vinh Hiền đưa lên mà chủ yếu là dùng nước mắm Nha Trang và ruốc Đà Nẵng đưa ra. Lý do đơn giản, nước mắm Nha Trang hương vị thơm và màu nước rất trong; ruốc Đà Nẵng cũng vậy, màu rất tươi, xay mịn và ăn không có cát.

Rồi những con diều nhỏ bày bán ở hè phố cũng được sản xuất từ Trung Quốc, từ địa phương khác đem đến Huế bán cho trẻ em thả chơi. Trong khi đó nghệ nhân làm diều và thả diều thì Huế là số một.

Tại sao người Huế không làm diều Huế, không làm đèn lồng để bán mà phải nhập từ nơi khác về? Kỹ nghệ làm diều chắc chắn không nơi nào “qua mặt” được Huế. Còn đèn lồng kiểu dáng của Hội An cũng không đòi hỏi công nghệ quá cao. Làm chai nước mắm trong như nước mắm Nha Trang, ruốc màu đỏ tươi và không có cát như ruốc Đà Nẵng khó lắm chăng? Huế có bia Huda công suất cả trăm triệu lít mỗi năm; công nghệ làm ruốc và nước mắm đơn giản hơn làm bia rất nhiều, không lý gì cứ để các bà, các chị nội trợ mỗi khi đi chợ lại phải lựa ruốc Đà Nẵng và nước mắm Nha Trang, Nam Ngư...?

Thế nhưng khi trao đổi đề tài này với một nhà nghiên cứu Huế thì bị ông cho là không hiểu tính cách của người Huế. Theo ông, người Huế ưa làm để mà chơi chứ không phải làm để giàu có. Muốn làm giàu thì phải đi xa xứ. Cũng có lý, đó là một nét của tính cách người Huế xưa và nay vẫn còn hiện hữu.

Đến đây, chợt nhớ câu: “Hết gạo đã có Đồng Nai/ Hết củi đã có Tân Sài chở vô”. Thời Huế là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, cả nước phải lo cho Huế từ nhân tài cho đến gạo, củi. Khi Nguyễn Huệ đăng quang Hoàng đế ở Phú Xuân, võ tướng từ Bình Định và văn tài từ Bắc Hà theo ông về lập nên vương triều Tây Sơn hùng mạnh. Thương cảng Hội An tiếp tục phát triển rực rỡ cũng nhằm phục vụ cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và mở rộng quan hệ bang giao với nước ngoài của triều đình Huế. Những thời kỳ đó các làng nghề ở Huế được hình thành và phát triển rực rỡ. Nhưng sản phẩm làng nghề Huế chỉ nhằm phục vụ triều đình và phục vụ tại chỗ chứ không phát triển để trở thành hàng hoá xuất khẩu, hàng hóa cung cấp cho thị trường cả nước.

Đúng là người Huế từ thuở đó đã không có “máu” kinh doanh, làm ăn lớn vì họ “đã có Đồng Nai”, “đã có Tân Sài”. Khi các quan của chúa Nguyễn, vua Nguyễn vào Nam họ đã đưa theo nhiều họ tộc ở Huế, ở Quảng Nam vào lập nghiệp, khai khẩn đất đai, mở rộng giang sơn, bờ cõi. Họ đem theo nhiều thầy giáo, thầy thuốc, tu sĩ Phật giáo vào dạy chữ, dạy văn hoá, chăm lo sức khoẻ cho Nhân dân và truyền Quốc giáo. Hình như từ thời kỳ đó đã có sự phân công lao động. Xứ Huế rất ít người thành đạt trong kinh doanh, làm ăn lớn nhưng lại có nhiều người rất giỏi về nghề dạy học, nghề thầy thuốc... Sau này, và cho đến tận bây giờ cũng thế. Đó là những ảnh hưởng tất yếu của lịch sử, của môi trường xã hội. Những ảnh hưởng đó đã hình thành nên truyền thống tốt đẹp cần được nuôi dưỡng. Có điều là về phương diện chính trị - xã hội truyền thống này đã được khai thác, sử dụng hợp lý để phát huy hiệu quả hay không?

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Huế không còn giữ vai trò, vị trí kinh đô. Tuy nhiên, Huế vẫn tiếp tục giữ được vai trò, vị trí là một trung tâm giáo dục, văn hoá, du lịch. Trong những thời điểm lịch sử nhất định, Huế vẫn giữ được vị trí chính trị quan trọng của khu vực miền Trung. Thế nhưng, do nền kinh tế phát triển còn chậm, thị trường lao động nhỏ, Huế lại trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực, nơi tuyển chọn, cung cấp chất xám cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác. Đa số học sinh học giỏi đều thi vào các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Những sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi hiếm thấy em nào trở về Huế làm việc mà lại tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho hai đầu đất nước. Những sinh viên học ở Huế có kết quả học tập loại giỏi, trong đó có nhiều em đậu thủ khoa, cũng đã đi tìm việc ở các tỉnh, thành phố khác. Điều này lý giải cho câu hỏi được đặt ra từ lâu: Trí thức Huế “Nam tiến” không chỉ là do trong đó “đất lành” mà còn có lý do khác. Trước hết là do nhu cầu của thị trường lao động và có phần là do tư duy kinh tế, do tính cách, lối sống.

Tính cách của người Huế là một nét văn hóa, nó có thể là một sản phẩm du lịch đặc thù, nhưng cũng là một yếu tố khiến cho Huế còn phát triển chưa nhanh.

THANH TÙNG