Người dân khai thác mủ cao su

Đầu năm 2016, giá mủ cao su giảm sâu, chỉ từ 7-8 nghìn đồng/ kg, người trồng lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí một số hộ dân chặt cao su để trồng keo. Thế nhưng, hiện nay giá mủ tăng gấp đôi khiến nhiều hộ trồng phấn khởi. “Chưa khi mô giá mủ cao su lại tăng mạnh như lúc ni. Đầu năm giá chỉ bằng một nửa thời điềm này. Cận Tết, giá mủ cao, gia đình tui tranh thủ đi cạo để kiếm thêm thu nhập”, ông Hồ Văn Bích (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nói.

Theo quy trình chăm sóc và độ sinh trưởng của cây, lúc này không phải là thời điểm chính để thu hoạch mủ. Giai đoạn này, bà con sẽ dừng cạo, tiến hành chăm sóc, bón phân cho cây. Thông thường, mủ cao su được thu hoạch từ tháng 3-7 hàng năm. “Khoảng 1 tháng trở lại đây, mủ cao su đội giá, từ 15-16 nghìn đồng/kg mủ đông. Giá mủ tăng do sản lượng mủ cao su trên thị trường thế giới giảm, đồng thời, lúc này không phải là thời điểm chính khai thác mủ cao su”, ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nam Đông cho biết.

Mặc dù giá cao nhưng cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hạn chế khai thác bởi sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, quá trình sinh trưởng của cây. “Huyện Nam Đông có 3.176 ha cao su và 2 đại lý thu mua, chế biến mủ cao su có quy mô. Hiện nay, dù giá cao nhưng bà con nên tập trung chăm sóc. Chúng tôi đã có những văn bản tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên khai thác ồ ạt, bởi về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mủ cũng như sự phát triển của cây”, ông Thành khuyến cáo.

Ngoài mủ cao su, giá cau hiện cũng đang ở mức cao. Tại Nam Đông, có 4-5 cơ sở thu mua, chế biến cau. Các cơ sở này thu mua cau với giá 18-20 nghìn/kg. Ông Trần Công Thành cho biết: “Cau tại Nam Đông có khoảng 120 ha được trồng phân tán để bảo vệ cảnh quan môi trường. Chúng tôi không có chủ trương quy hoạch vùng trồng tập trung. Cau thường thu hoạch đại trà vào tháng 9-11. Thời điểm này, cau đã già nên giá cao là bởi sản lượng đang thấp, nguồn nguyên liệu đang hiếm. Việc giá cao tăng cao giúp người dân có thêm thu nhập dịp cận Tết”.

 L.Thọ