Âm nhạc dân gian nói riêng và nghệ thuật biểu diễn dân gian nói chung đã từng có mặt hoặc ảnh hưởng vào môi trường diễn xướng của nghệ thuật cung đình và ngược lại, âm nhạc cung đình nói riêng, nghệ thuật cung đình nói chung cũng đã từng lan tỏa, tác động vào nghệ thuật dân gian trên nhiều vùng văn hóa trong cả nước. Do đó, có một số bài bản thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình đã bị mai một và “lưu lạc” vào dân gian trong đó có bài bản Nhã nhạc Tam thiên.

Biểu diễn Nhã nhạc Tam thiên

Sau khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, âm nhạc cung đình cũng mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy và lan tỏa về với dân gian. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử những bài bản Nhã nhạc như bài Tam thiên không tránh khỏi “tam sao thất bổn”. Ngoài ra, do việc dạy và học trước đây chủ yếu được thực hiện theo phương pháp truyền ngón, truyền nghề nên người học phải trực tiếp tai nghe, mắt thấy người thầy của mình trình diễn mới có thể “thẩm thấu” được giai điệu một cách hoàn chỉnh để nhớ và ghi lại.

Hành trình trở về với nguồn cội để tìm lại những “mảnh vỡ” của bài bản Nhã nhạc Tam thiên cho chúng tôi những cảm nhận khác nhau, bởi một nghệ nhân có một cách trình diễn khác nhau, đó là có hai vấn đề nổi bật về sự hiện diện của bài Tam thiên.

Ghi âm, phỏng vấn nghệ nhân Hồ Đăng Châu về bài bản Nhã nhạc “Tam thiên”

Một là tại sao trong các nhạc phổ ở Huế không có bài Tam thiên? Hầu như các nhạc sư ở Huế (cố nghệ nhân Nguyễn Kế, cố NSƯT - Hiệp sĩ Nhã nhạc Trần Kích, nghệ nhân Lữ Hữu Thi…) ít đề cập đến bài bản này, các ban nhạc ở Huế hầu như không sử dụng bài này trong lễ tế, kể cả nhạc công ở các địa phương phía Nam thành phố Huế cũng vậy.

Hai là tại sao bài Tam thiên chỉ lưu truyền thông dụng ở Quảng Điền, Phong Điền, và một số nơi ở Quảng Trị?

Để trả lời hai vấn đề này, trước hết ta phải thấy được rằng sở dĩ Tam thiên ít được chú ý đến vì bài bản này có đường nét giai điệu bình thường, âm hình tiết tấu khá đơn giản, phạm vi sử dụng theo như các nghệ nhân lại hạn hẹp, hầu như chỉ được dùng làm “nhạc dẫn” trong lễ tế. Trong khi đó thì các bài bản lớn khác như: Long ngâm, Bình bán, Lưu thủy… lại thường được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau (dâng hương, yến tiệc…) vì giai điệu của chúng phong phú, linh hoạt, tiết tấu phức tạp và có sức cuốn hút dễ hấp dẫn người nghe hơn, từ đó ta thấy rõ, ở Thừa Thiên Huế bài Tam thiên dễ bị coi thường, rồi dẫn đến bị bỏ qua và quên lãng… Nghệ nhân Hồ Đăng Châu cho biết: “Ngày xưa, thầy Đội Hòa từng dạy bài Tam thiên cho các học trò để họ dùng trong lễ tế ở các làng thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền”. Và nghệ nhân Lê Viết Chính tâm sự: “Ông cha ta ngày xưa thường hay có tính ích kỷ, cái gì hay dùng và có ích thì thường đem giấu nhẹm đi, không phổ biến ở ngoài mà chỉ đem dùng làm của riêng cho gia đình mình hoặc dùng làm cái đặc trưng, đặc biệt cho dòng tộc, cho làng xóm quê hương mình”.

Biết thời để dạ làm thinh

Chớ lộ nhân tình ai biết mặc ai

Hiện nay, bài Tam thiên vẫn đang được lưu giữ và sử dụng trong các dịp tế lễ ở các địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ yếu là Quảng Điền, Phong Điền).

Với âm hình tiết tấu đơn giản, giai điệu ngắn gọn dễ nhớ, Tam thiên lại có một lợi điểm riêng vì hai yếu tố kể trên là điều kiện thuận lợi cho phép nhạc công kèn dễ diễn tấu cũng như tự nó còn giúp đỡ cho nhạc công trống trong việc tự phân nhịp phách nhằm thực hiện chính xác các roi trống theo khuôn trống để điều khiển bộ dẫn rượu bước một cách đều đặn, nhịp nhàng hòa với tiếng kèn, đàn của dàn nhạc truyền thống. Thông thường, việc tự phân nhịp để đánh trống điều khiển dàn nhạc là một vấn đề khá hóc búa đối với nhạc công trống. Đối với những nhạc công trống chỉ học với nghệ nhân mà chưa kinh qua trường lớp đào tạo thì việc tự phân nhịp càng khó khăn hơn khi phải đánh trống dẫn rượu (lúc đó nhạc công trống phải điều khiển cả bộ dẫn rượu lẫn dàn nhạc). Nếu ở trường hợp đó mà dàn nhạc diễn tấu những bài bản lớn thì nhạc công trống càng tốn sức nhiều hơn trong việc tự phân nhịp vì các nhạc công kèn, đàn thường diễn tấu các phách đảo tạo những nhịp ngoại để giai điệu có sức cuốn hút hơn. Vì vậy, trong thực tế, khi phục vụ lễ tế nhạc công trống hầu như chỉ cho phép dàn nhạc sử dụng những bài bản quen thuộc để dễ điều khiển cả ban nhạc lẫn bộ dẫn rượu. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến sự thất truyền của nhiều bài bản.

Tam thiên là bài bản Nhã nhạc thường được sử dụng trong các lễ tế của triều Nguyễn nhưng vì nhiều lý do nên bài bản này bị mai một. Việc đi tìm những “mảnh vỡ” của bài bản này chính hành trình truy tìm lại những bài bản Nhã nhạc đã một thời tồn tại trong chốn hoàng cung xưa, nhằm phục dựng và đưa nó trở về với môi trường nguyên thủy.

Trọng Bình