Ngày nay, vườn có tên là Giáng Châu, nằm bên dòng sông Bạch Yến, thuộc phường Hương Long, TP Huế. Trên diện tích hơn 8.000m2, khu vườn còn gần 60 cây măng cụt và 3 cây dâu Lái Thiêu.
Những cây măng cụt trong nhà vườn
|
Với người trong vùng, gia đình ông Võ Văn Vọng (còn gọi là Án Vọng) - chủ nhân trước của nhà vườn nói trên nổi tiếng giàu có. Ông nguyên là quan án sát dưới triều Nguyễn. Gia đình ông sống trên mảnh đất rộng hơn mảnh vườn cũ bây giờ. Sau khi vợ mất, ông Vọng rời ngôi nhà vào Sài Gòn sinh sống cùng con cái.
Về khởi sự trồng măng cụt, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện khác nhau nhưng theo một người lớn tuổi trong dòng Võ tộc kể lại thì trước năm 1960, con trai ông Án Vọng là Võ Văn Hải cho người vào tận miền Nam chọn giống măng cụt và dâu Lái Thiêu. Không rõ số lượng cây là bao nhiêu nhưng tất cả được chuyển theo tàu hỏa để tránh hư hỏng. Ông Võ Văn Dung, một người anh em họ với ông Vọng là người trực tiếp theo áp tải cây giống về nhà và đảm nhận việc trồng trọt, chăm bón. Ông Võ Văn Ý, cháu nội ông Võ Văn Dung nhớ lại: “Cây giống đưa về cao khoảng 1m, gần 100 cây măng cụt được trồng tại vườn ông Án Vọng. Giữa hai cây măng cụt là một cây dâu Lái Thiêu”. Ông Ý phán đoán lý do trồng măng cụt có thể là do thú chơi vườn cảnh thời bấy giờ của ông Án Vọng.
Lối vào nhà vườn |
Ông Án Vọng bỏ nhiều công sức và tiền bạc đầu tư cho khu vườn đặc biệt. Chỉ riêng chuyện tưới cho măng cụt, gia đình ông phải thuê người gánh nước từ sông Bạch Yến. Một cây cần 4 đôi nước, một ngày tưới 2 lần. Không chỉ thế, cây nhỏ phải làm mái che để giúp chúng thích nghi dần với môi trường. Sau Tết âm lịch là thời điểm bón phân cho măng cụt. Nhờ ông nội kể lại nên ông Võ Văn Ý vẫn nhớ y nguyên cách thức và quy trình chăm sóc măng cụt trước kia: đó là mỗi khi bón phân (phân chuồng ủ với rơm rạ) phải đào quanh gốc 4 hố lớn (năm sau thì đào ở vị trí chéo so với năm trước), mỗi hố có cạnh khoảng 60cm, sâu 1m.
Măng cụt (còn gọi là giáng châu) được xem là nữ hoàng của trái cây. Theo những nhà trồng măng cụt lâu năm ở kim Long, Hương Long, cây này tán rộng chừng nào thì rễ ăn ra từng ấy. Nếu được mùa, một cây cho khoảng 50kg trái. Khi trái chín, không được trèo cây hái mà phải đứng dưới đất dùng sào thu hoạch, nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây vào mùa sau. |
Khoảng năm 1972, vườn măng cụt cho lứa trái đầu tiên nhưng lúc này, gia đình ông Án Vọng đã rời Huế, chỉ nhờ một người bà con trông coi giúp. Thời điểm bấy giờ, vườn ông Võ Văn Dung cũng được cho số măng cụt để trồng tương đương vườn nhà Án Vọng. Để có nguồn phân bón cho cây, ông Ý bảo rằng, nhà ông nội ông phải nuôi một bầy heo nái và mua khoảng nửa sân nhà rơm rạ về ủ phân. Khoảng năm 1980, do khó khăn nên gia đình ông Dung chặt bỏ phần lớn măng cụt để trồng khoai sắn.
Vợ ông Võ Văn Khôi, người từng được thuê chăm sóc khu vườn sau này kể: “Lúc trồng măng cụt ở vườn, ông Án Vọng còn cho trong bà con quanh vùng mỗi nhà vài ba cây nên hầu hết măng cụt trên đường Nguyễn Hoàng và làng An Ninh Hạ đều từ vườn nhà ông Án mà ra. Măng cụt vườn này tán rộng, nhánh sum suê la đà mặt đất nhìn không thấy lối đi. Sau này người ta thuê vườn mới tỉa bớt cho thông thoáng hơn”.
Dưới sự quản lý của chủ vườn mới (thuê lại có thời hạn), khu vườn được cải tạo trở thành khách sạn nhà vườn. Tuy nhiên, do kinh doanh không hiệu quả nên việc chăm sóc vườn không được chú trọng như trước. Đây là nhà vườn đặc biệt và có số lượng cây lớn nhất trong số các vườn măng cụt hiện nay nên cần gìn giữ. Chính quyền địa phương cho biết sẽ có hướng quy hoạch, phát triển nhà vườn theo hướng phục vụ du lịch sinh thái.
T.Ninh