Nói là nói vậy chứ thời gian là một dòng chảy bất tận, làm gì có chuyện cắt khúc, chia đôi.

Là nói đến những gì của cuộc sống đang diễn ra trên dòng thời gian ấy. Nó rành mạch, rõ ràng. Đến nỗi như nó không hề lẫn lộn. Nó như là sự khác biệt đến đối lập. Cho nên mới thấy rằng, bên này nó khác bên kia.

Bên này là khi một ngày mới bắt đầu, dù mưa hay nắng. Nó hối hả với cuộc mưu sinh bừa bộn. Lúc này, thấy rõ nhất là ở các chợ đầu mối, trên các đường làng dẫn về thành phố. Đó là hàng hóa đủ loại được nhập vào các vựa rồi lại phân phối ra các ngả. Hàng theo người, người theo hàng ngược xuôi tấp nập. Cách phân phối hàng hóa như thế này chứa đựng trong đó những phận người lam lũ. E rằng, cái nhịp sống ấy diễn ra nhiều năm rồi và còn kéo dài nhiều năm nữa. Đó là có một lúc nào đó, ta chợt ghé ngang nhìn vào thấy vậy. Còn thực ra, những người trong cuộc thì họ không bận tâm lắm về điều này, đơn giản nó là nhịp sống thường ngày, cũng vui tươi, hy vọng.

Nửa thời gian này là sự nhộn nhịp diễn ra trên đường phố, khi trước giờ một ngày làm việc ở công sở bắt đầu. Thành phố như hối hả và tấp nập hơn. Nhìn vào dòng người lưu thông trên các ngả, ta thấy thành phố đã tạo ra nhiều công ăn việc làm. Các loại hình dịch vụ phát triển. Đời sống của người dân khấm khá lên…Cái khá hơn nhìn thấy trong cách ăn cách mặc, qua phương tiện đi lại, trên mỗi mặt người có vẻ ít sự âu lo...

Chứng kiến dòng người ngược xuôi kia là một đời sống khác thuộc về các quán cà phê, nhà hàng ăn sáng ở hai bên đường. Ở đây, nhịp sống trôi hết sức lững lờ, rủ rỉ rù rì. Nó trầm ngâm và trầm tư. Nó phớt lờ mọi sự. Chị bán cơm hến hỏi ra mới biết đã gắn bó với vỉa hè này gần hai mươi năm rồi. Từ hai ngàn một tô, bây giờ là bảy, tám ngàn hoặc có khi là mười ngàn đồng/tô. Khách hàng chị đã thuộc tên và thói quen của mỗi người.

Những món ẩm thực đúng chất Huế bày bán nhiều trên các phố, qua các ngả đường. Ở một quán cà phê nào đó là những nhóm người tụm năm, tụm ba nói về văn chương chữ nghĩa. Từng nhóm người trẻ ngồi bình thản mà có những chỉ dấu cho ta biết họ là sinh viên ở các trường đại học. Cả chục ngàn sinh viên cũng góp một phần tạo nên sự sôi động và nét riêng.

Cũng đã lâu rồi mới loanh quanh xuống phố. Cái sự lâu ngày mới gặp bao giờ cũng cho ta một cảm nhận rõ ràng hơn. Vẻ tất bật lam lũ của ngày đã nhường chỗ cho sự ung dung thư thái. Lúc này thành phố về đêm. Mọi người không có vẻ “khép kín” như thường khi. Họ vui tươi cởi mở, họ rạng rỡ hơn, đẹp hơn. Họ ung dung tự tại. Không biết có lẫn vào đó một sự u hoài nào không, nhưng ở đâu cũng như tràn ngập âm thanh của một đời sống thư thái. Khó có thể phân biệt được ai giàu, ai nghèo nhưng qua những cuộc chuyện trò loáng thoáng, có thể biết được nhóm người này làm nghề kinh doanh buôn bán; nhóm kia là bạn bè lâu ngày gặp lại; bàn nọ là những công chức làm việc ở một công sở nào đó…

Nhiều con đường tràn ngập các loại hình dịch vụ về đêm, rộn ràng, sôi động. Nhiều khu phố dày đặc các quán ăn. Nếu “nửa này” của thời gian là tất bật làm ăn thì “nửa kia” là hưởng thụ, vui chơi, mua sắm. Rõ ràng, hai trạng thái này là khác nhau. Khu phố Tây ở đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An… cũng đông người cả tây lẫn ta nhưng có vẻ nhẹ nhõm, ít ồn ào hơn các khu phố ta ở khu vực Kiểm Huệ, An Cựu City…

Và cũng có một điều khác lạ. Đêm Huế bây giờ như là thời điểm “bùng nổ” các nhà hàng dịch vụ ẩm thực “Tây Tàu”. Gần thì Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, xa hơn là Đức, Ý, Pháp… Những món ẩm thực này thu hút rất nhiều lớp trẻ. Cũng có thể là hiếu kỳ cho biết mà cũng có thể là mốt thời thượng. Hòa nhập thì đúng rồi nhưng không khéo thì rất có thể trở thành chảnh chọe lai căng.

Nói chung là Huế đang thay đổi. Huế đang rất khác cách đây chừng chục năm thôi. Huế không gò bó đóng khuôn mà là cởi mở hơn đúng với chất của một đô thị đang kỳ hội nhập. Phát triển theo kiểu gì cũng là phát triển. Cuộc sống vốn tự nó có một cơ chế sàng lọc hết sức tự nhiên. Những gì có giá trị, phù hợp với văn hóa sẽ có sức tồn tại lâu bền...

Lê Phương