Giám đốc WWF Việt Nam Văn Ngọc Thịnh (phải) trao chứng nhận “Thành phố xanh quốc gia” cho lãnh đạo TP. Huế

Từ quê nghèo Vinh Thái

Tôi may mắn là bạn đồng môn với em gái của Văn Ngọc Thịnh nên được nghe khá nhiều câu chuyện thú vị về anh. Với Văn Ngọc Hoài (em gái anh Thịnh), Văn Ngọc Thịnh không chỉ là anh mà là thầy, là cha, là “thần tượng” và cũng là người thay đổi cuộc đời Hoài, giúp chị em Hoài đến với con đường tri thức, khi trang trải chi phí học tập, ăn ở cho Hoài và em, sau khi cương quyết buộc các em đi học (sau quyết định cho dừng học giữa chừng của cha), phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần vì tư tưởng con gái không cần học nhiều. Vì điều này, có thời gian anh và cha căng thẳng với nhau, song bây giờ cha anh đã ghi nhận công sức đầu tư cho em út. Hoài hiện đang là giáo viên ngữ văn một trường THPT trên địa bàn, em gái Hoài, là giảng viên đại học, đang làm nghiên cứu sinh tại Đức. Cả Hoài và Yến (em gái Hoài) học hành thành đạt đều nhờ số tiền lương, cộng làm thêm của anh Văn Ngọc Thịnh.

Trở lại với câu chuyện của Thịnh, qua lời kể của Hoài, cậu bé Thịnh học giỏi có tiếng khắp vùng Vinh Thái. Ngày ấy, hầu như gia cảnh ai cũng khó khăn, nhà Thịnh cũng không ngoại lệ. Ngoài giờ học trên lớp, Thịnh còn phụ giúp gia đình gặt lúa lúc vào mùa, chăn trâu, cắt cỏ… Hoài nhớ nhiều hôm, ba và anh cả đi làm xa, việc đồng áng chỉ mình mẹ và anh Thịnh phải cáng đáng, anh phải nghỉ học đi làm đồng. Thầy giáo biết chuyện nên tranh thủ sau giờ dạy đến nhà gặt lúa giúp để Thịnh có thời gian đến trường. Mùa hè, các thầy đến giúp mẹ Thịnh làm giàn mướp, cuốc đất trồng khoai… Lúc Thịnh đỗ đại học, cả làng đều vui vì quê nghèo lần đầu tiên có người bước chân vào ngưỡng cửa đại học.

Hoài nhớ lắm cái hôm lên xã nhận giấy báo đậu đại học cho anh, ông chủ tịch xã vui lắm, bảo: “Nhà tôi mà có con học giỏi thế, tôi làm bò mời cả làng”. Ngày lên Huế trọ học, nhà nghèo, mẹ không sắm được bộ quần áo mới, Thịnh vẫn vui vẻ mặc bộ áo quần cũ đến trường, vừa học, vừa làm thêm để nuôi bản thân. Ra trường, Văn Ngọc Thịnh được nhận vào công tác tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. 7 năm ăn, ngủ trong rừng, từng ngày, từng giờ tiếp xúc với thiên nhiên, cây cỏ chim muông và các loài động vật giúp anh càng yêu quý hơn những di sản thiên nhiên, sự đa dạng sinh học của các khu rừng trên dải đất miền Trung. Thời gian này, anh có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ và cùng làm việc với một chuyên gia của Đức về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Cũng chính người này đã giúp anh cơ hội học thạc sĩ tại Đức và làm luận án tiến sĩ về sau.

Đội tuần tra bảo vệ rừng, mô hình được đánh giá cao

Góp sức cho Huế

Khi nói đến những đóng góp cho Huế trên cương vị Giám đốc WWF Việt Nam, Văn Ngọc Thịnh xua tay. Anh nói rằng, như thế là cục bộ địa phương, bởi phạm vi hoạt động của WWF là không biên giới, tất cả những địa phương có rừng, có các loài động vật hoang dã cần bảo tồn đều được xem xét hỗ trợ dự án. Huế từ trước đến nay có khá nhiều dự án được triển khai bởi những tiềm năng thế mạnh mà Huế đang có, đang sở hữu, là sự đang dạng sinh học của các khu rừng, những loài động vật quý hiếm được phát hiện như sao la, gà lôi lam, các loài linh trưởng… Và chỉ duy nhất Huế là vùng đất có bìa rừng hành lang nối liền từ đầu đến cuối tỉnh, từ đất liền đến biển và sang Lào. Văn Ngọc Thịnh cho rằng, với những điều kiện thuận lợi đó, Huế xứng đáng có các dự án nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên.

Cũng theo Giám đốc WWF Văn Ngọc Thịnh, Huế được lựa chọn triển khai nhiều dự án còn từ sự nhiệt tình, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, TP. Huế. Mới đây, khi phát hiện voọc chà vá chân đỏ xuất hiện ở phía Bắc đèo Hải Vân, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã gửi ảnh và thư đề nghị Giám đốc WWF Việt Nam có sự hỗ trợ để bảo vệ loài linh trưởng này. Điều đó được lãnh đạo tổ chức WWF Việt Nam đánh giá cao trong việc bảo vệ động vật hoang dã, coi trọng thiên nhiên và sự đa dạng sinh học của lãnh đạo tỉnh.

Văn Ngọc Thịnh (bìa phải hàng thứ hai) chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia nước ngoài, đội bảo vệ rừng, cán bộ các cơ quan liên quan trong lần tham quan Khu bảo tồn sao la

Một dự án khác đang được Văn Ngọc Thịnh triển khai sau khi lãnh đạo TP. Huế ký cam kết xây dựng “TP không tiêu thụ động vật hoang dã”, một trong những nội dung xây dựng thành phố xanh quốc gia. Văn Ngọc Thịnh kỳ vọng, điều tốt đẹp nhất từ dự án này mà phía WWF mong muốn là TP. Huế sẽ nâng cao được ý thức của người dân và nói không với việc tiêu thụ động vật hoang dã, xem đó là hành động đáng lên án, xẩu hổ khi ai đó nuôi, nhốt, ngâm rượu, nhất là chế biến, làm và ăn thịt động vật hoang dã. Tiến tới còn là các chế tài xử phạt khi kinh doanh, tiêu thụ, nuôi… động vật hoang dã trái phép. Sáng kiến này đã được Giám đốc WWF Việt Nam đăng ký với WWF thế giới và đã được công nhận. Văn Ngọc Thịnh cho hay, tham vọng của anh là biến Huế là thành phố đầu tiên của cả thế giới thực hiện thành công “Thành phố không tiêu thụ động vật hoang dã”. Đây cũng là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng TP xanh quốc tế. Muốn thế, theo anh Thịnh, điều đầu tiên và quan trọng nhất phải xây dựng được ý thức xanh từ trong tư tưởng đến hành động của người dân. Và WWF Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với TP. Huế thực hiện điều này.

Giám đốc WWF Việt Nam còn dự định xây dựng chiến lược triển khai bước hai của dự án dự trữ cacbon để lấy kinh phí hỗ trợ cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Vùng rừng Thừa Thiên Huế sẽ được chăm sóc, phát triển để làm nơi dự trữ cacbon cho Việt Nam và thế giới. Những tập đoàn đến Việt Nam đầu tư sản xuất đều có trách nhiệm đóng góp, trả chi phí hấp thụ cacbon cho chính quyền, từ nguồn thu này sẽ phân bổ lại cho người dân, tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý, trồng, chăm sóc bảo vệ rừng…

Quản lý hợp phần nâng cao năng lực Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên Huế - Lương Việt Hùng khẳng định, vai trò của Giám đốc WWF rất lớn trong việc xây dựng các dự án cho Huế để kêu gọi tài trợ. Gần như các dự án mà Huế được hưởng lợi thời gian qua đều có phần lớn công sức của Văn Ngọc Thịnh, bởi anh là người hiểu rõ nhất về những thế mạnh, những giá trị mà Huế đang có để xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo vệ, phát triển một cách phù hợp.

 

 

 

 

 

 

Tâm Huệ - Ảnh: WWF