Vở tuồng: Nghêu sò ốc hến

Tại đây, ông Nguyễn Thế, khi ấy là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã có bài tham luận dài 12 trang về tuồng Nôm cổ. “Hội nghị toàn những người “có râu, có tóc” nên thấy một người nói về chữ Nôm chưa già như tôi, ai cũng bất ngờ”, ông Thế dí dỏm về cái tuổi 47 của mình lúc ấy.

Bản tham luận là công trình khảo cứu âm thầm và dài lâu. Những năm 1990, từ Huế, ông bỏ tiền túi tìm đến Viện Sân khấu, Nhà hát Tuồng Trung ương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các trung tâm lưu trữ trong cả nước tiếp cận những vở tuồng cổ bằng chữ Nôm.

Những chuyến khảo cứu lặng lẽ giúp ông tiếp cận, thống kê được hơn 200 bản tuồng Nôm cổ. Không ít vở trong số đó cho đến nay vẫn chưa có tên trong Từ điển Nghệ thuật hát bội Việt Nam cũng như trong các bài viết của những nhà nghiên cứu về tuồng cổ. Tại thư viện Viện Sân khấu, ông thống kê được 50 văn bản tuồng bằng chữ Nôm trên giấy dó. Qua khảo cứu, ông Thế đã tìm thấy các cứ liệu xác định đây chính là những vở diễn của sân khấu tuồng Huế vào cuối triều Nguyễn. Trên các kịch bản tuồng có đóng con dấu từ năm 1923 của rạp hát Đồng Xuân Lâu do bà Tuần vũ Đặng Ngọc Oánh thành lập. Một số khác có in con dấu của Đoàn hát bội Đồng Hỷ Ban, ghi rõ chủ nhân Hoàng Hữu Cơ tức ông Giám Cơ, con nuôi của bà Đặng Ngọc Oánh. Điều đến nay ông Thế vẫn còn băn khoăn là trong số 50 kịch bản nói trên, có một số đóng dấu khắc tên Lê Trung Cư. Và nhân vật này là ai, với ông Thế, vẫn còn là ẩn số. Sau này, ông đã trực tiếp gặp GS.Hoàng Châu Kỳ, nguyên Viện trưởng Viện Sân khấu để xác minh, song GS.Kỳ cũng chỉ cho biết, số vở tuồng cổ trên được Viện Sân khấu mua năm 1976 từ ông Giám Cơ, trong tình trạng một số không đủ chương hồi, một số bị mục, rách… Đây là một phần di sản quý báu của của bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống Huế. Nhiều vở tưởng không còn văn bản đã tìm thấy. Như vở Giác Sanh duyên. Theo GS. Nguyễn Lộc (trong Từ điển Nghệ thuật hát bội Việt Nam xuất bản năm 1998) thì vở tuồng này chưa tìm được văn bản. Tuy nhiên, qua khảo cứu, ông Thế phát hiện Giác Sanh duyên còn lại bốn hồi (2, 4, 5, 8) đang được lưu giữ tại Viện Sân khấu.

Nhà hát Tuồng Trung ương hiện cũng đang lưu trữ 18 vở còn khá nguyên vẹn, trong đó có vở Sơn Hậu đủ 3 hồi, với 190 trang, được chép vào năm Khải Định thứ 8 (1923). Từ lạc khoản ghi tên người chép trên các vở, đến nay, ông Thế chưa có điều kiện khảo cứu để biết xuất xứ chính xác. Tuy nhiên, theo phán đoán của ông, rất có thể chúng có mối liên quan đến nghệ sĩ Đoàn Thị Ngà, một đào hát nổi tiếng ở Huế những năm 1925-1930, từng được nhiều đoàn hát ở miền Bắc mời biểu diễn. Bà cũng từng đóng vai Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình nhân dịp mừng thọ vua Khải Định.

Một cảnh trong vở tuồng Trương ngáo

Trong khi đó, 12 văn bản tuồng Nôm khác lại nằm ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm bản chép tay và in khắc gỗ. Ngoài ra còn có 46 vở được sao chụp từ bản gốc tại Thư viện Hoàng Gia Anh. Số bản chụp này được chính phủ Anh trao tặng cho chính quyền miền Nam tại Sài Gòn năm 1971. Năm 1988, toàn bộ tài liệu được chuyển giao cho Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Quá trình khảo cứu, ông Thế nhận định, với lịch sử hình thành hàng trăm năm, từng phát triển đến đỉnh cao và được xem là “Quốc kịch” dưới triều Nguyễn, hẳn số lượng kịch bản tuồng viết bằng chữ Nôm còn nhiều và con số khoảng 200 vở được khảo cứu mới chỉ là số liệu ban đầu. Vốn di sản ấy phải chịu số phận lưu lạc nghiệt ngã, có thể hồi một đang ở Việt Nam nhưng hồi hai, hồi ba lại đang nằm ở nước ngoài... Trong khi đó, việc nghiên cứu kịch bản tuồng, ngoài công trình “Tổng tập văn học Việt Nam” do GS. Hoàng Châu Kỳ chủ biên có in một số kịch bản tuồng thì đến nay vẫn chưa thấy một công trình nghiên cứu tuồng cổ nào được xuất bản.

“Sưu tầm, khai thác, phát huy tuồng cổ chữ Nôm là công việc lâu dài và gian nan vì văn bản đang lưu lạc, tản mát nhiều nơi và có khá nhiều dị bản. Việc phiên âm, chú giải, đối chiếu các dị bản phải được thực hiện một cách cẩn trọng mới lột tả được chất văn học đặc trưng của bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam, chọn lọc những vở tuồng hay để dàn dựng, phục vụ quần chúng. Đối với công việc quan trọng và lớn lao này, một cá nhân, một nhóm người, cho dù có tâm huyết thế nào cũng không thể gánh nỗi…”, ông Thế bộc bạch.

Góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình vào hành trình lâu dài và gian nan ấy, sau gần một đời đa đoan cùng tuồng cổ, ông Thế đã hướng cho con gái theo ngành Hán Nôm, hiện đang theo học cao học Hán Nôm tại Hà Nội.

Vậy là món nợ tuồng ông Thế tự vận vào thân, khởi đầu với niềm đam mê chữ Nôm từ thời niên thiếu, đến nay đã có người “thừa kế”. Với họ, hành trình gian nan ấy không đơn thuần là phát huy bộ môn nghệ thuật tuồng mà nó còn có giá trị lớn lao góp phần bảo tồn di sản chữ Nôm của cha ông.

Mê mải cùng di sản, điều ông Thế tâm đắc mỗi khi tiếp cận một bản tuồng Nôm cổ chính là việc khám phá những con chữ lạ mà cha ông sáng tạo vẫn còn ẩn mình trong đó.

Với cả tâm huyết, ông từng được Quỹ học bổng Hán Nôm Harvard-Yenching tài trợ để thực hiện một đề đề tài nghiên cứu về Hán Nôm, hoàn thành từ năm 2008.

Tiểu Muội - Ảnh: Th. Thủy, Th. Lê