Khoản ngân sách trị giá 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm được Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá là mặc dù ở mức thấp nhưng sử dụng lại còn không hiệu quả.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, do vướng bận các thủ tục hành chính về thanh quyết toán mà “các nhà khoa học lo về tiền còn vất vả hơn nghiên cứu, dẫn đến hiệu quả hạn chế, làm xong ứng dụng thực tế thì ít mà lưu kho thì nhiều, trong khi chính người nông dân lại tự sáng tạo ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất hiệu quả”.

Vấn đề miếng bánh ngân sách đầu tư cho KHCN còn thấp và cơ chế tài chính nhiều bó buộc, nhiêu khê đối với nhà khoa học là một thực tế. Việc Nhà nước ôm chặt các cơ sở nghiên cứu khoa học cả về kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch nhân sự lẫn kế hoạch chi tiêu dẫn đến hạn chế về chất lượng nghiên cứu cũng là một thực tế. Tình trạng thiếu một cơ chế tự do học thuật để các nhà khoa học có thể độc lập về đường lối nghiên cứu và đi đến cùng trong khoa học cũng là một thực tế. Tuy nhiên, nếu đổ hết lỗi lầm của một nền khoa học yếu kém cho cơ chế như vậy thì vai trò của các nhà khoa học nằm ở đâu?

Chúng ta có hàng trăm trường đại học, hàng nghìn cơ sở nghiên cứu, hàng chục nghìn cán bộ nghiên cứu, hàng chục nghìn tiến sĩ, hơn 9.000 giáo sư nhưng cuối cùng người sáng chế ra chiếc máy gặt lúa, máy thu hoạch hoa quả, máy cắt tỉa cành lại là một người nông dân.

Cho đến nay ông Nguyễn Kim Chính ở Bình Định đã sở hữu tới ba sáng chế liên quan đến các loại máy nông nghiệp và ngày 13-9 vừa qua, ông tiếp tục công bố sáng chế máy tuốt đậu phộng mà theo ông là chưa có mặt trên thị trường Việt Nam. Riêng sản phẩm máy gặt lúa của ông đã bán được tới 200 chiếc cho các khách hàng trong nước và cả nước ngoài, tính từ năm 1998 đến nay. Tất cả kết quả này của ông Chính đến từ khoản đầu tư 15 triệu đồng mua máy gặt lúa hồi cuối những năm 1990 của gia đình ông. Ông Chính mới chỉ học hết lớp 7 trường làng và tự mày mò làm lấy tất cả.

Trong khi đó, năm 2011 và 2012, riêng kinh phí cấp phát cho các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đã là 3.667 tỉ đồng.

Nếu tính đến các khó khăn về cơ chế, tài chính thì thời đại nào và ở đâu các nhà khoa học cũng gặp phải. Xét một cách khách quan thì điều kiện nghiên cứu ngày nay đã tốt hơn hẳn và thuận lợi hơn hẳn so với các thời kỳ trước đây. Lý do sử dụng kinh phí không hiệu quả, trước hết phải hỏi các nhà khoa học. 

Theo phapluattp.vn