Nụ cười mưa. Ảnh: Hải Phúc

“Dậy thôi! Dậy cầm dù đi bộ nào!” Tôi choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn xung quanh. Có ai đâu. Định thần một lúc mới nhận ra đó chỉ là giấc mơ. Nhưng mưa là thật. Rỉ rắc hoài suốt đêm qua, đêm trước và đêm kia, đêm kìa nữa...Không biết có phải vì Huế mưa mãi, nên người cũng ngấm, và những điều bình thường trở thành nỗi khao khát.

Có buổi chiều ngồi yên nhìn mưa như những ngón tay vẽ hoài từng vệt ẩm ướt lên ô cửa kính, cứ nghĩ mãi về cái điều rằng, mình đã đi qua những mùa mưa như thế nào. Về những mùa mưa đã qua, những ngày mưa còn nhớ và cả những hạt mưa đã rơi trong những bước chân vội dần ở đâu đó thật xa.

Không hẳn là khó nhọc, nhưng quả thật là mưa vẫn là một cái gì đó khá u uẩn lúc ngoái nhìn. Tôi nhớ cánh đồng An Cựu và những dáng người loi thoi những lúc mưa tuyệt mù. Tiếng bầy vịt lúc thúc. Giọng bà mẹ nào gọi con ướt rượt; vầng khói của những mái nhà ven lưng đồng. Nhớ cách má tôi quày quả ra đồng đỡ hộ con út nắm rau cuối ngày. Nhớ ánh đèn đỏ nhập nhoạng trên dãy nhà 5 tầng không mấy xa và cách mà gió vắt lên vai mình cơn trĩu lạnh. Mưa của một ký ức trong trẻo nhưng lầm lụi.

Kỳ thực thì, ở một nơi mà mưa đã trở thành một định danh, một danh từ ám chỉ, có khi người ta có thể và đã không bao giờ nghĩ ngợi nhiều lắm về những ngày mà mưa “cứ kéo dài ra suốt mấy ngày”, hay có khi hơn tháng như bây giờ. Mưa, đơn thuần chỉ là một kiểu “về thu xếp lại” và sống trong trật tự gần như đã được lập trình theo cách của mỗi người, trong một nhịp điệu chung của sự chậm rãi ẩm ướt. Có lẽ vì thế mà không mấy ai lấy làm sốt ruột, dù cũng hân hoan chào đón những lúc nắng ngời, hay có khi chỉ là đôi chút le lói ở góc trời. Cái sự xê dịch trong mưa, nghe chừng cũng khác khi chẳng mấy ai vội vã, dù “áo mưa dơi bay tận đáy mưa rơi”. Trong những chiều mưa bên sông, vẫn thấy đôi ba người đàn ông dừng xe xem người ta câu cá. Nghe mùi café dài trên đường phố, dài tận ngõ sâu. Những mái nhà che mưa và lưu trú nhạc Trịnh. Trong cái đều đặn và chậm rãi của ngày, chắc là không có gì đồng điệu hơn Trịnh với những cung bậc của quá chừng chơi vơi và đôi khi sâu hút mà nếu không phải người Huế, hoặc đã và từng sống lâu ở Huế, hẳn là khó lòng mà chịu nổi.

Có lẽ vì sống cùng mưa, nên người Huế hiền. Giỏi chịu đựng và cũng có lúc dường như khó chịu không chịu nổi.

Chưa đủ nhiều để phân định về một tính cách, nhưng cái nép mình, tìm cách giấu đi những trạng thái của cảm xúc mà đôi khi chợt nhận ra, tôi biết mình cũng đã nhuộm màu mưa Huế. Trong sự vây bủa của mưa. Không ít người Huế đã tìm cách từ chối mưa Huế, khước từ mưa Huế nhưng ở đâu đó, lúc nào đó, họ vẫn bị đánh thức bởi những triền mưa, kiểu như nhạc sĩ Việt Đức đưa mưa vào câu hát “nhớ Huế mùa mưa, da diết bồng bềnh”…

Cũng khó gọi tên và nhớ cho bằng hết những gì của riêng mình và thuộc về mưa Huế. Thì đã cả một đời dằng dai. Đến nỗi dù có nhắm mắt lại, vẫn cứ thấy hiện ra trước mắt mình màu mưa, những ngả sông trắng, những con đò uể oải neo mình bên bờ…Chỉ một điều không bao giờ nhớ rõ là mình đã đi qua những mùa như thế, bằng cách nào.

Mưa Huế dài lắm, nên có lẽ vì thế mà dẫu chỉ là một quãng đường, Việt Đức vẫn nhớ Huế không thôi và thương Huế không nguôi khi thả vào “Nhớ Huế” của anh một “bồng bềnh trong mưa, ướt cả cuộc tình”.

Hình như không phải là tiếc nuối. Chỉ là khắc khoải.

“Nhớ Huế mùa mưa, da diết bồng bềnh”

An Di