Thiếu tác phẩm chất lượng cao

Quỹ hỗ trợ sáng tạo (HTST) tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (VHNT) là “cú hích” cho các văn nghệ sĩ nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng khi cơ chế thị trường đang dần chi phối bước đường nghệ thuật. Điều băn khoăn là thời gian qua tại Thừa Thiên Huế chưa có công trình, tác phẩm nào có tầm quy mô, chất lượng cao.

Nhiều tác phẩm được hỗ trợ vẫn dựa trên tiêu chí kích thước, đề tài và chất liệu

Một trong những nguyên nhân là do đầu tư dàn trải. Hầu hết các tác phẩm được đầu tư đạt giải cao chủ yếu do tự lực của tác giả. Với khoảng 5-7 triệu đồng cho một tác phẩm, kinh phí hỗ trợ chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần. Công tác đầu tư vẫn còn mang tính phong trào hơn việc chú trọng đến chiều sâu của tác phẩm. Quy trình thực hiện chưa tập trung vào những tác giả có tiềm năng, có thể cho ra đời tác phẩm chất lượng mang giá trị nghệ thuật và tầm vóc tư tưởng cao.

Nhạc sĩ Nguyễn Việt, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế băn khoăn: “Với số tiền hỗ trợ trung bình 7 triệu đồng cho một tác phẩm, công trình thì khó có thể có được tác phẩm chất lượng cao - dù nhỏ như ca khúc, chứ chưa nói đến những tác phẩm, công trình lớn như hợp xướng, giao hưởng hay các công trình nghiên cứu âm nhạc. Tất nhiên, đã gọi là hỗ trợ thì tác giả phải chịu chi phí chính. Đa phần các nhạc sĩ đều là công chức, viên chức và cán bộ hưu trí, kinh tế chẳng phải khá giả nên việc bỏ ra thêm kinh phí để làm một tác phẩm dù nhỏ nhưng phối thu chất lượng cao đã khó, chứ đừng nói đến phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để có tác phẩm, công trình lớn”.

Quy trình xét hỗ trợ tác phẩm cũng là vấn đề cần lưu tâm. Mỗi chuyên ngành có đặc thù riêng nên cần có quy trình thực hiện và mức đầu tư hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn, cách hỗ trợ công trình nghiên cứu, sưu tầm của Hội Nghệ sĩ múa tính theo số trang của công trình nghiên cứu không thể khuyến khích được sức lao động, trí tuệ của các nghệ sĩ múa, đặc biệt là đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình vốn đã rất mỏng. Bởi lẽ, căn cứ vào số trang đánh máy báo cáo tổng kết đề tài không phản ánh đầy đủ giá trị và chất lượng của một tác phẩm, công trình múa.

Với tác phẩm mỹ thuật, cơ sở để đăng ký và sơ duyệt là phác thảo tác phẩm bằng màu và thông tin về chất liệu, kích thước để hội đồng sơ duyệt hình dung trước được giá trị nghệ thuật và thông điệp nội dung tác phẩm. Chính tâm lý bám theo phác thảo máy móc do sợ không được nghiệm thu đã hạn chế sáng tạo mang chất hứng khởi ngẫu nhiên cần thiết. Do đó, hầu hết các tác phẩm được nghiệm thu đều chỉn chu nhưng thiếu đi sự phóng khoáng, “xuất thần” mà đa phần bị sa vào gò ép sao cho giống phác thảo được duyệt.

“Trên thực tế, nhiều tác phẩm được hỗ trợ ở mức A của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế vẫn dựa trên tiêu chí là đề tài, kích thước và chất liệu, còn lại chất lượng nghệ thuật đôi khi chưa thể đạt được những giải thưởng trong các sân chơi lớn ở khu vực hoặc toàn quốc. Điều đó cho thấy, tác phẩm nhận hỗ trợ vẫn còn những hạn chế nhất định ở mặt chất lượng khi được xem xét ở một hội đồng nghệ thuật khác”, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho hay.

Chọn lọc

Nghĩa là, việc đầu tư sáng tác cần có chọn lọc về cả đề tài và hội viên nhận đầu tư. Con người (chọn lọc từ đội ngũ “hạt giống”) là điều kiện cần và đề tài là điều kiện đủ để giải quyết bài toán đầu tư một cách hiệu quả. Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, nên phân quỹ hỗ trợ thành hai hạng mục: đầu tư phong trào và đầu tư chiều sâu. Đầu tư phong trào mang tính động viên với mức hỗ trợ thấp. Với đầu tư chiều sâu, mức đầu tư có thể lên đến 20 triệu đồng và theo hình thức đặt hàng những tác giả tên tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Việt cũng cho rằng, cần mạnh dạn đặt hàng một số tác phẩm, công trình theo yêu cầu thực tế của đề tài hoặc sự cấp thiết mang tính thời sự của tác phẩm, công trình VHNT. Ông nhấn mạnh: “Không nên máy móc theo một lối mòn: Nguồn quỹ HTST được phân bao nhiêu thì chia ra hỗ trợ cho 5-6 tác phẩm mỗi năm. Mặc dù có phân chia 3 loại A, B, C nhưng mức hơn, kém chỉ gọi là. Hằng năm, nếu xét thấy cần có tác phẩm, công trình hay, có quy mô lớn để phục vụ cho một chủ đề cần thiết nào đó, thay vì đầu tư cho 5 tác phẩm, có thể chọn lựa hoặc đặt hàng đầu tư cho 1 đến 2 tác phẩm, công trình thật sự có chất lượng”.  

Thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư sáng tạo, từ đó có những tác phẩm VHNT chất lượng, giá trị vẫn luôn là mong ước không chỉ của giới văn nghệ sĩ.

Bài, ảnh: NGUYỆT TÚ