Đánh bắt xa bờ đem lại hiệu quả kinh tế cao

Yên tâm bám biển

Trong thời gian ảnh hưởng sự cố môi trường biển, tàu xa bờ của ông Nguyễn Hòa ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) vẫn vươn khơi đều đặn. Mỗi chuyến biển kéo dài từ một tuần đến 10 ngày, trừ những “ngày trăng”, hay biển động.

Ông Hòa tâm sự: “Làm nghề biển mới hiểu được niềm tin của ngư dân vào biển. Biển đã “nuôi” biết bao ngư dân. Những lúc khó khăn, rủi ro, tui  thường động viên anh em bạn thuyền quyết tâm bám biển, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Mới đây, nhận được tiền bồi thường gần 250 triệu đồng, tui chia đều cho anh em. Ai cũng vui!”.

Nhận được tiền bồi thường, sau khi chia cho bạn thuyền, phần còn lại ông Hòa đầu tư sửa chữa tàu, ngư cụ. Các bạn thuyền có tiền bồi thường dùng chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, góp phần ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Nam, thuyền viên tàu của ông Hòa chia sẻ: “Từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển đến nay, tàu hoạt động bình thường nên ngư dân cũng có thu nhập, mỗi tháng từ 6-8 triệu đồng, cuộc sống chưa đến nỗi khó khăn”.

Thu mua cá tại cảng Thuận An

Ông Nguyễn Văn Hối ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) nói: “Với ngư dân đánh bắt xa bờ thì sự cố môi trường biển không ảnh hưởng lớn. Từ tháng 4/2016 đến nay, tháng nào tàu của tui cũng có từ 2-3 chuyến biển. Ngư trường khai thác cách bờ từ 70-80 hải lý, có khi vươn đến gần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi chuyến đánh bắt hàng chục tấn cá, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Giá hải sản tuy giảm đến 30-40%, nhưng ngư dân vẫn có thu nhập đều đặn.”

Theo các chủ tàu xa bờ, hiện môi trường biển dần phục hồi, ổn định nên nhu cầu tiêu thụ cá biển tăng trở lại. Giá hải sản cũng đang nhích dần, chỉ thấp hơn so với trước khoảng 20%.

Hàng trăm tàu xa bờ được đóng mới

Từ 265 chiếc cách đây hơn một năm, đến nay toàn tỉnh có khoảng 350 tàu đánh bắt xa bờ, tăng gần 100 chiếc. Riêng tàu công suất lớn 400CV trở lên từ 38 chiếc tăng lên hơn 100 chiếc. Trước đây, các tàu xa bờ chủ yếu đánh bắt cá nục, cá cơm, cá hố, bạc má, cá sòng… thì nay chuyển sang đẩy mạnh đánh bắt các loại cá ngừ, cá thu, chủa, cá cờ, cá cam có giá trị kinh tế cao.

Sản lượng cá dồi dào, đánh bắt hiệu quả nên mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ đóng mới, sở hữu cùng lúc nhiều tàu đánh cá công suất lớn từ 400 CV trở lên. Chỉ trong vòng 3 năm, hộ ông Phan Tước ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) đóng mới ba chiếc, trong đó hai chiếc công suất 535 CV/chiếc và một chiếc 563 CV. “Đại gia đình” ông Trần Vẹn ở xã Lộc Trì có đến 7 chiếc tàu khai thác xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hộ ông Trần Lương ở xã Lộc Trì vừa đóng mới hai chiếc 420 CV và 830 CV… Ngoài tàu vỏ thép công suất lớn của ông Trần Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) vừa hạ thủy, sắp đến còn có thêm một tàu vỏ thép nữa hạ thủy, cho thấy sự phát triển của hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Ở thị trấn Thuận An, hàng chục hộ tự bỏ vốn đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn, như ông Trần Văn Luyến, Trần Củng, Nguyễn Văn Hà… Ở Phú Thuận (Phú Vang) cũng có hơn 10 hộ tự bỏ vốn đóng mới tàu công suất từ 400 CV trở lên. Tại xã Lộc Trì (Phú Lộc), dù gặp nhiều khó khăn trong việc neo đậu, nhưng vẫn có nhiều hộ mạnh dạn đóng tàu mới.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định: Ngay trong thời điểm ảnh hưởng sự cố môi trường biển, ngư dân vẫn đóng mới, cải hoán tàu, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để đẩy mạnh phát triển nghề cá, ngành thủy sản và các địa phương cần tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng đánh bắt xa bờ; tiếp tục vận động ngư dân mạnh dạn nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn; mua sắm, thay đổi công nghệ đánh bắt hiện đại như máy dò cá, đèn LED (tiết kiệm năng lượng đến 80% chi phí). Lưới đánh bắt hải sản phải được mở rộng cả chiều dài lẫn chiều cao. Ngư cụ cần đa dạng, hiện đại, hướng đến khai thác nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao, như cá ngừ đại dương xuất khẩu. Chuyển đổi việc bảo quản hải sản bằng nước đá trong bao ni lông, sang công nghệ bảo quản mới, hiện đại hơn nhằm hạn chế thất thoát và đảm bảo chất lượng hải sản.

Bài, ảnh: Hoàng Triều