Nhật honagf Akihito, 83 tuổi, được người dân tôn kính. Ông không có quyền lực chính trị nhưng hiến pháp xác định ông là biểu tượng của nước Nhật và sự đoàn kết của toàn dân. Lên ngôi năm 1989 sau khi cha băng hà, Nhật hoàng Akihito đã cố gắng chữa lành những vết thương do Thế chiến II gây ra ở châu Á trong những chuyến công du nước ngoài.
Reuters cho biết ông từng trải qua một cuộc phẫu thuật tim và được điều trung thư tuyến tiền liệt. Nhật hoàng Akihito từng bóng gió về ý định thoái vị hồi tháng 8/2016 cũng như thừa nhận tuổi tác ảnh hưởng đến việc thực hiện phận sự của mình.
Theo đài BBC, trong suốt 2 thế kỷ qua, chưa có Nhật hoàng nào thoái vị và luật pháp hiện hành cũng không cho phép điều đó xảy ra. Đây là lý do khiến nước này đang phải chuẩn bị những bước đi cụ thể để thay đổi luật kế vị, cho phép Nhật hoàng thoái vị cũng như cho phép phụ nữ thừa kế ngai vàng - điều công chúng nước Nhật ủng hộ nhưng bị các chính trị gia bảo thủ phản đối.
Bắt đầu thảo luận vấn đề Nhật hoàng thoái vị từ cuối năm 2016, một hội đồng chuyên gia dự kiến đưa ra những đề nghị vào cuối năm nay. Chính phủ Nhật có thể đệ trình quốc hội bản dự thảo luật đặc biệt về chuyện thoái vị của Nhật hoàng sớm là vào đầu mùa xuân này. Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga hôm 11/1 cho biết ông không biết gì về diễn biến liên quan đến vấn đề này, đồng thời từ chối bình luận.
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Nhật ủng hộ chuyện cho phép Nhật hoàng thoái vị. Thế nhưng, các phương tiện truyền thông cho rằng từ nay đến năm 2018 không đủ thời gian để chuẩn bị.