Phụ nữ tham gia lao động trong một lò nung Keyo.Ảnh: Yonhap
"Sau nhiều năm tăng trưởng toàn cầu đáng thất vọng, chúng ta có thể nhìn thấy triển vọng kinh tế mạnh mẽ hơn ở phía trước", Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim lạc quan nhận định trong một thông cáo báo chí.
"Bây giờ là thời điểm để tận dụng lợi thế của đà này và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và con người. Điều này rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện cần thiết để chấm dứt đói nghèo cùng cực", ông nói thêm.
Đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2017 của Ngân hàng Thế giới nói rằng, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến được kỳ vọng sẽ đạt 1,8% trong năm nay. Tăng trưởng tại Hoa Kỳ dự kiến có khả năng lên đến 2,2 phần trăm, trong bối cảnh sản xuất và tăng cường đầu tư đang gia tăng sau một năm suy yếu 2016.
Kích thích tài chính trong các nền kinh tế lớn - nhất là ở Mỹ - có thể dẫn đến tăng trưởng trong nước và toàn cầu nhanh hơn so với dự kiến, mặc dù sự gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể có tác dụng phụ. Nhưng vì "vai trò rộng lớn của Hoa Kỳ trong nền kinh tế thế giới, những thay đổi trong định hướng chính sách có thể có những tác động toàn cầu", Giám đốc Nhóm Triển vọng Kinh tế Phát triển của WB - ông Ayhan Kose nói thêm.
Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, Jim Yong Kim (phải) trong một chuyến thăm các thành viên của một hệ thống nhà năng lượng mặt trời tại quận Barisal, Bangladesh. Ảnh: WB / Dominic Chavez
Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển có thể lên đến 4,2% trong năm nay từ mức 3,4% của năm 2016 - thời điểm mà giá cả hàng hóa chỉ tăng một cách khiêm tốn.
Tuy nhiên, triển vọng này bị che mờ bởi sự không chắc chắn về định hướng chính sách trong các nền kinh tế lớn. Một khoảng thời gian kéo dài của sự không chắc chắn có thể kéo dài sự tăng trưởng chậm trong đầu tư.
Ở các thị trường mới nổi và đang phát triển, chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu dự kiến sẽ mở rộng 2,3% vào năm 2017 sau khi chỉ tăng ở mức gần như không đáng kể 0,3% trong năm ngoái, trong bối cảnh giá hàng hóa dần dần phục hồi, cùng lúc với Nga và Brazil tiếp tục phát triển sau suy thoái. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu của các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, không thay đổi so với năm 2016.
Sự tăng trưởng được dự báo giảm xuống còn 6,2% trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương; 2,4% ở Châu Âu và Trung Á; tăng trưởng tích cực trở lại ở mức 1,2% ở Mỹ Latinh và Caribê; phục hồi khiêm tốn với 3,1 phần trăm tăng trưởng ở Trung Đông và Bắc Phi, tăng nhẹ lên 7,1% ở Nam Á, và 2,9% ở tiểu vùng Sahara châu Phi.
Tố Quyên (Lược dịch từ UN)