Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 13/1/2017. Ảnh: AFP

Việt Nam vẫn luôn là trọng tâm trong chiến lược châu Á của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, được đánh dấu bằng việc dỡ bỏ thời kỳ cấm vận vũ khí, đẩy mạnh tăng trưởng chủ yếu trong thương mại và ký kết hiệp định thương mại lớn Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump - ngưoig sẽ chính thức nhậm chức vào 20/1 tới, từng tuyên bố sẽ phế bỏ TPP trong ngày đầu tiên ông lên nắm quyền.

Tuy nhiê, AFP hôm nay dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, các mối quan hệ này khó mà sụp đổ, mặc dù không chắc chắn về chiến lược châu Á của nhà lãnh đạo kế nhiệm.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry tới Việt Nam - chuyến đi thứ tư của ông đến quốc gia này với vai trò nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, mang cả ý nghĩa chính trị và cá nhân sâu sắc.

Vị cựu sĩ quan hải quân này từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng sau đó thùa nhận cuộc chiến là một sai lầm và từ đó bắt đầu chiến đấu vận động cho hòa bình.

"Tôi rất vui mừng được trở lại Việt Nam, nơi chúng tôi vẫn đang phát triển một mối quan hệ lớn dần", Ngoại trưởng Kerry phát biểu trong cuộc họp sáng nay với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Sau cuộc họp chính thức tại Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry sẽ bay vào Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối ngày hôm nay. Ngày mai, ông sẽ đến sông Bảy Hạp ở Cà Mau để thăm lại chiến trường xưa nơi ông từng tham chiến năm 1969.

Liên minh thương mại

Theo AFP, mối quan hệ giữa 2 nước đã có nhiều biến chuyển lạc quan sau thời chiến.

Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng lớn trong các khoản đầu tư của Mỹ vào các trung tâm sản xuất.

Chính quyền Obama đã biến châu Á - nơi có một số nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới - thành một ưu tiên, đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc.

"Chuyến thăm của ông Kerry nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách Mỹ - châu Á", chuyên gia phân tích về Việt Nam Jonathan London nói với AFP.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Trump cho biết sẽ xem xét lại chính sách tái cân bằng thương mại toàn cầu và xoá bỏ TPP, nhưng "sẽ là quá sớm khi cho rằng ông sẽ hoàn toàn loại bỏ lợi ích của các công ty Mỹ đang hoạt động tại Đông Nam Á", chuyên gia phân tích London nói thêm.

Cũng theo AFP, những căng thẳng với Bắc Kinh về việc xây dựng quân sự trên các đảo ở Biển Đông có khả năng sẽ được thảo luận trong chuyến thăm lần này của ông Kerry.

Washington đứng vị trí trung lập trong các tranh chấp chủ quyền chồng chéo giữa Trung Quốc với các nước khác ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng tự do hàng hải phải được tôn trọng trong các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ.

Mới đây, ứng cử viên thay thế chức Ngoại trưởng trong nội các của Tổng thống Trump, cựu chuyên viên dầu hỏa Rex Tillerson, cảnh báo rằng, cần đưa ra một "tín hiệu rõ ràng" để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng trên các đảo tranh chấp, sau khi tân Tổng thống Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & CNA)