Định danh những điểm nóng...

 

Rút kinh nghiệm những năm trước, từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau, ở Thừa Thiên Huế thường chịu ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp, mưa kéo dài và lốc xoáy gây ảnh hưởng đến tài sản, đời sống của nhân dân. Với mục tiêu: Chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả, tất cả vì tính mạng và tải sản của nhân dân, các đơn vị LLVT tỉnh đã xác định những mục tiêu trọng điểm thấp trũng, có nguy cơ bị bão lũ, lốc xoáy đe dọa.

 

Sẵn sàng ứng cứu trước mùa mưa bão năm 2012.

 

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Hầu như ở địa bàn nào trong tỉnh cũng có những điểm thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng khi mùa mua bão đến. Nếu như ở TP Huế tập trung ở các phường nội thành, vùng ven đô như An Hòa, Hương Sơ; các huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc ở các xã ven biển thì ở Phú Vang, Hương Thủy tập trung vào các xã: Vinh Xuân, Phú Diên, Vinh Thanh, Phú Đa, Vinh Thái, Thủy Lương, Thủy Thanh, Thủy Tân thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Ở các huyện vùng cao như Nam Đông, A Lưới cũng có những xã thường xuyên xảy ra lũ quét và sạt lở đất như: Hương Hòa, Hương Hữu, Hồng Thái, Hồng Thủy, Nhâm... Đặc biệt, huyện Quảng Điền có đến 100% xã bị ngập lụt khi mùa mưa bão về. Cửa biển Thuận An, Hòa Duân, Tư Hiền, Hải Dương, khu vực sông Bồ (Hương Trà) cũng là điểm xung yếu có nguy cơ bị nước biển xâm thực nặng.

 

Giúp dân dựng lại nhà cửa sau bão lũ năm 2011.  

 

“Đường bộ, đường sắt, các tuyến đê... là một trong những điểm cần chú ý mỗi khi mùa mưa bão đến. Trên QL49 đi A Lưới đoạn cầu ông Dự, đèo Mỏ Quạ; tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đèo 14, A Tép ở 2 xã Hồng Thủy và Hồng Bắc (A Lưới); đèo La Hy (QL14) huyện Nam Đông; QL1A đoạn Thủy Dương (Hương Thủy), Phong An (Phong Điền) là những điểm thường xuyên sạt lở đất, gây cản trở việc đi lại của người dân trong mùa mưa bão. Khu vực đường sắt đèo Phước Tượng, phía nam thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Trì; xã Hương Xuân (Hương Trà) thường ngập nặng hoặc gây sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của các tuyến tàu. Các tuyến đê ngăn mặn có nguy cơ cao trong mùa mưa bão là, tuyến đê vùng Quảng Thái (Quảng Điền); đê biển vùng Ngũ Điền (Phong Điền)”, Đại tá Trần Duy Vĩnh, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết thêm. 

 

Chủ động, sẵn sàng...

 

Trước mùa mưa bão năm nay, LLVT tỉnh đã huy động 153 tàu, thuyền, máy các loại; 156 xe thiết giáp, xe lội nước và ô tô các loại; hơn 7.000 áo pháo cứu sinh, phao tròn, phao bè và nhiều trang thiết bị khác... sẵn sàng ứng phó và làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn.

Do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa trên diện rộng, nước nguồn đổ về mạnh; nước sông, nước biển dâng cao gây ngập lụt cục bộ ở một số địa bàn làm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Một số đập như: Đập Truồi, Thọ Sơn, đê Quao, Quảng Thái... do nguồn nước đổ về mạnh, có nguy cơ vỡ đập. Bão lớn xảy ra tại TP Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc gây đổ nhà cửa, cây cối, cột điện... làm ách tắc giao thông.... Đó là những tình huống mà các đơn vị trực thuộc LLVT tỉnh đặt ra trong mùa mưa bão năm nay và đều có phương án đối phó cụ thể, chi tiết.

 

Đại tá Trần Duy Vĩnh cho biết, bên cạnh lực lượng tại chỗ ở các địa phương như: bộ đội thường trực, lực lượng dân quân cơ động, dân quân tự vệ, dự bị động viên, còn có thêm lực lượng cơ động của Tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp 3, Tiểu đoàn Bộ binh 6, công binh, Đội 192... đều được huy động để tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra bão lũ. Lực lượng, phương tiện và tổ chức chỉ huy tham gia phòng, chống bão lụt đã phân định rõ ràng, gắn vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Phương án, địa điểm sơ tán dân khi ngập lụt cũng đã xác định. Đặc biệt, việc tính toán thời gian cơ động của các lực lượng đến nơi cần ứng cứu được cụ thể hóa chi tiết, tỉ mỉ. Phân đường giao thông khi bị nước lũ chia cắt được các đơn vị LLVT tỉnh tính đến; kể cả việc dự kiến các bãi đổ bộ máy bay cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão lớn diễn ra.

 

“Là huyện có nhiều xã vùng thấp trũng và ven biển, nên công tác phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn luôn được Ban CHQS huyện, BCHQS các xã và các đơn vị, ban, ngành trong toàn huyện đặt lên hàng đầu. Ngay từ những ngày tháng 5, đầu tháng 6, chúng tôi đã có kế hoạch và phương án cụ thể để phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài Ban chỉ đạo chung của xã, ở các thôn đều có đội phòng, chống bão lụt với lực lượng từ 12 đến 15 người, sẵn sàng ứng cứu khi có bão lụt xảy ra. Thượng tá Nguyễn Duy Cương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phú Vang cho biết.

 

Phương châm chỉ đạo mà LLVT tỉnh đặt ra là: “Phòng là chính, tích cực chủ động ứng cứu nhanh, hiệu quả. Vận dụng phương châm “5 tại chỗ” (chỉ huy, phương tiện, hậu cần, lực lượng, tự quản tại chỗ). Huy động tổng lực phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, tài sản sau, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân. Khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản, các đơn vị được quyền sử dụng lực lượng, phương tiện ứng cứu trước, sau đó báo cáo cấp trên.

 

Bài, ảnh: Anh Phong – Bá Trí