Trao thưởng cho các tác giả đạt giải. Ảnh: Trang Hiền

Hai tác phẩm của Hội Mỹ thuật với hai chủ đề và chất liệu thể hiện khác nhau, thể hiện hai phong cách riêng trước những vấn đề có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa nhân sinh cấp thiết. Biển chết SOS (chất liệu sơn dầu) của Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai - bằng những nét biểu trưng, và nghệ thuật thể hiện toàn ảnh đồng dạng cái chết của những sinh thể cá đã làm hiện lên tinh thần phản biện và thái độ phê phán sâu sắc của tác giả trước hành vi vô trách nhiệm của những người dã tâm hủy hoại môi trường sinh thái, làm cho thiên nhiên và con người hệ lụy và xa xót. Còn Dấu xưa (chất liệu tổng hợp) của Võ Văn Quý gây bất ngờ với thị giác người xem qua những đường nét và màu sắc cách điệu, biểu trưng trên nền không gian phẳng, làm hiện lên sự tương hợp, giao hòa giữa con người và thiên nhiên trong tính chỉnh thể trọn vẹn ba chiều của không gian quá khứ.

Hội Nghệ sĩ múa đề xuất 2 tác phẩm, nhưng Hội đồng nghệ thuật Liên hiệp Hội bình chọn 1 tác phẩm để xét tặng thưởng cho biên đạo Phan Hoàng (âm nhạc Tuệ Nguyên). Có thể nói, qua sự nhập vai điêu luyện và đồng dạng - chủ yếu là ở thế giới nội tâm kết hợp với ngôn ngữ hình thể cuả các nghệ sĩ trên sân khấu đã thể hiện thông điệp triết lý đến khán giả rằng, mọi hoạt động và tư tưởng của con người bao giờ cũng vươn đến quy luật Chân - Thiện - Mỹ. Tác phẩm được tặng Bằng khen Biên đạo múa trẻ và đạt giải A của hội chuyên ngành Trung ương.

Hội Âm nhạc được Hội đồng nghệ thuật bình chọn 2 tác phẩm với hai phong cách khác nhau. Ca khúc Về Huế đi anh của Trần Tôn (thơ Phan Bích Mai) với ca từ và giai điệu trữ tình, sâu lắng, nhưng đầy tự hào, ân nghĩa đã tạo nên tính chỉnh thể nghệ thuật vững chắc. Qua thi pháp ngôn ngữ âm thanh giàu tính suy tưởng, ca khúc đã để lại dư âm, dư ảnh thân thương trong lòng người thưởng thức về một Huế xưa và Huế hôm nay.

Tác phẩm Đại hồng thủy của nhạc sĩ Trầm Tích với giai điệu rock metal là một thành công mới của nghệ thuật âm nhạc hiện đại gắn với những vấn đề thời sự. Mọi quy luật vĩnh hằng lại diễn ra sau cơn đại hồng thủy là thông điệp ngầm của âm nhạc mà Trầm Tích muốn gửi đến người tiếp nhận về ước mơ màu xanh yên bình trên mặt đất.

Hội Văn nghệ dân gian được bình chọn công trình Văn học dân gian huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế của Trần Nguyễn Khánh Phong. Qua công trình, chứng tỏ các tác giả là một chuyên gia có thao tác khoa học và phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian vững chắc. Và điều quan trọng là tâm huyết và công sức của tác giả đối với con người, quê hương Nam Đông, Thừa Thiên Huế. Công trình thực sự đóng góp những kết quả khoa học có giá trị, đáng trân trọng.

Hội Nghệ sĩ sân khấu mạnh dạn chọn vở Bi kịch nhà vua thi sĩ của tác giả Hải Trung và dàn nghệ sĩ tài năng Trần Đại Dũng, Hoàng Trọng Cương, NSND Bạch Hạc, NSUT La Thanh Hùng để tham dự giải vì tính chất đột phá, đổi mới tư duy của tác giả và đạo diễn trước một chủ đề và đối tượng tưởng đã yên vị và thuộc về sự thẩm định thống nhất của lịch sử và con người hậu thế. Vị hoàng đế thi sĩ Tự Đức được nhận thức mới và nhận thức lại trong tính bi kịch, bi hùng và minh chính của chính đời sống cá nhân nhà vua trong quan hệ với lịch sử, triều đại mà dù Tự Đức có là nhà vua đi chăng nữa cũng không thể vượt qua thời cuộc. Sự dằn vặt nội tâm, sự tự thú, có cả sự xa xót, cô đơn của nhà vua thi sĩ này qua vai diễn đã đem lại những nhận thức đồng thuận và phản biện mới của người xem. Tác phẩm đạt huy chương bạc Hội diễn sân khấu toàn quốc

NSUT Nguyễn Đình Dũng được Hội Nghệ sĩ sân khấu và Liên hiệp Hội thống nhất trao giải vai diễn xuất sắc Nguyễn Trãi trong vở ca kịch Vụ án Lệ Chi Viên. Qua sự nhập vai, nhập cuộc và nhập sự trong quá khứ, Nguyễn Đình Dũng thực sự làm sống lại lịch sử bi tráng không chỉ cá nhân Nguyễn Trãi - vị quân sư xuất chúng của triều Lê mà còn là bi kịch của chính triều đại và cá nhân những người cầm quyền khi họ bất chấp nhân nghĩa, lương tâm, sự thật để bước qua số phận của Nhân dân và số phận một con người trung nghĩa như Nguyễn Trãi.

Hội Nhiếp ảnh được bình chọn 2 tác phẩm ảnh màu có giá trị. Tác giả Lê Huy Hoàng Hải với tác phẩm Múa võ trước Ngọ Môn và Trương Vững với tác phẩm Múa rồng đã cho người thưởng thức có dịp hình dung ngôn ngữ ảnh thông ngôn ngữ hình thể và đạo cụ trên nền không gian tĩnh, nhưng tất cả lại trở nên sinh động trong liên tưởng của người xem. Sự sống được gián cách qua ngôn ngữ nhiếp ảnh và điểm nhìn nghệ thuật nhiếp ảnh chính diện, tạo được không gian thị giác hấp dẫn và bắt mắt.

Hội Nhà văn đề xuất, giới thiệu 3 tác phẩm tham dự. Một thơ, Lục bát rời của Nguyên Quân, một ký Nhìn từ Huế của Dương Phước Thu và một chuyên luận văn chương Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại của Trần Huyền Sâm. Chúng tôi đánh giá cao kết quả khoa học của tác giả ở các nội dung mới, đặc biệt là Diễn ngôn về phạm trù trinh tiết của nữ giới; Diễn ngôn về nỗi đau “chối bỏ thân thể”; Ngôn ngữ thân thể và ẩn ức tính dục nữ; Tính chất tự thuật - một hình thức giải phóng cái tôi nữ giới... Có thể nói rằng những diễn ngôn trên là hệ của tinh thần dân chủ và khuynh hướng nhận thức tối đa trong văn chương Việt hiện nay mà các nhà văn nữ - với tư cách là chủ thể ý thức và chủ thể sáng tạo, họ đã thể hiện hết mình thành hình tượng - ngôn từ - tư tưởng mà nói theo GS. Đặng Anh Đào là “họ tự ăn mình” một cách nghệ thuật và đầy sáng tạo.

Nhìn từ Huế với hai mươi bút ký là “bảo tàng thành văn” mà Dương Phước Thu đã lần lượt đồng hiện trên trang sách như những di sản văn hóa, di sản tinh thần quý giá. Đây là thành công mới của Dương Phước Thu sau một thời gian dài anh đi và viết, đọc và ngẫm, ấp ủ và dự định. Cách làm việc cẩn trọng và nghiêm túc của anh đã giúp anh hình thành được phong cách viết ký của mình - phong cách ký lịch sử - văn hóa, qua đó, anh khai mở những góc khuất giá trị của lịch sử và văn hóa Huế với cái nhìn song chiếu từ quá khứ đến hiện tại để rút ra bài học kinh nghiệm và bài học tinh thần cho cuộc sống và con người hiện tại trên tinh thần “ôn cố tri tân” có đồng thuận, phản biện quá khứ một cách khách quan, khoa học.

Thi phẩm Lục bát rời của Nguyên Quân đã để lại những ấn tượng thi pháp đặc biệt. Với Lục bát rời, Nguyên Quân đã chứng minh được khả năng làm chủ lục bát của mình khá vững vàng qua những phá và thay cấu trúc 6-8 của lục bát truyền thống một cách chủ động và tự nhiên theo nhịp điệu bên trong của cảm xúc và nhịp điệu bên ngoài của hiện thực để thể hiện tư tưởng và tâm hồn của nhà thơ chân thật, giàu chất nghiệm sinh.

Các tác phẩm, công trình xét tặng thưởng lần này chính là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó; là quá trình chiếm lĩnh, nghiền ngẫm hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng để thể hiện thành hình tượng, thành nội dung nghệ thuật đầy trách nhiệm, khát khao và nhân ái với cuộc sống..

HỒ THẾ HÀ