Rác thải điện tử gây hại đến môi trường và sức khoẻ con người. Ảnh: AFP

Theo báo cáo của Đại học Liên Hiệp quốc, rác thải điện tử - loại chất thải cực độc, có thể gây hại đến môi trường, gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước - tại châu Á đã tăng 63% trong vòng 5 năm qua, cảnh báo hầu hết các quốc gia trong khu vực cần phải cải thiện các phương pháp xử lý và tái chế.

"Đối với nhiều nước thiếu cơ sở hạ tầng trong việc quản lý rác thải điện tử thân thiện với môi trường, sự gia tăng khối lượng rác này chính là nguyên nhân mối lo ngại", ông Ruediger Kuehr - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Trong nhiều năm, Trung Quốc và một số nước khác ở châu Á đã thành bãi đáp của các thiết bị điện tử phế thải từ các nước phát triển, tái chế rác thải tại các nhà máy nội bộ với mức giá thường ở mức siêu rẻ nhưng không an toàn.

Báo cáo cho thấy, trong những năm gần đây, châu Á nhanh chóng nổi lên như một bãi chứa chính của rác thải điện tử, do người tiêu dùng ngày càng giàu có và thường xuyên mua các mặt hàng như điện thoại, máy tính bảng, tủ lạnh, máy tính cá nhân và TV.

Trong giai đoạn tiến hành nghiên cứu, Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lượng rác thải điện tử chỉ trong 5 năm từ 2010 đến 2015.

Bình quân đầu người, nền kinh tế thải ra nhiều rác thải điện tử nhất trong khu vực là Hồng Kông, với mỗi người tạo ra trung bình 21,7kg rác thải điện tử vào năm 2015.

Singapore và Đài Loan cũng là những bãi rác thải điện tử lớn, với trung bình mỗi người tạo ra hơn 19kg trong năm 2015, theo nghiên cứu. Trong khi đó, Campuchia, Việt Nam và Philippines được cho là các quốc gia có lượng rác thải điện tử thấp nhất với trung bình khoảng 1kg/người.

Thực tế, rác thải điện tử nếu được xử lý không đúng cách và bất hợp pháp sẽ càng làm tăng sự tiếp xúc với hoá chất rất độc hại, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và môi trường.

Axit được sử dụng để tách các kim loại trong các sản phẩm điện tử là mối lo ngại đặc biệt, vì hít hoặc tiếp xúc với chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tại thị trấn Guiyu ở Trung Quốc, nơi xây dựng nền kinh tế dựa trên việc tái chế rác thải từ nước ngoài, không khí và nguồn nước ở đây trở nên vô cùng độc hại do ô nhiễm kim loại nặng, một nghiên cứu năm 2014 của các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Y tế Shantou cho thấy. Theo đó, trẻ em trong thị trấn cũng có nồng độ chì trong máu cao, nghiên cứu chỉ rõ.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & CNA)