Và tất nhiên, ở những điểm này còn là nơi tìm đến của những tấm lòng trẻ. Họ đem đến những bao áo quần còn khá mới, được xếp tươm tất, với tâm niệm: "Cũ mình nhưng mới người".

“Ai thừa ủng hộ, ai thiếu đến nhận”

Đó là câu khẩu hiệu treo trước cổng quán cà phê số 29 Trần Thúc Nhẫn (TP. Huế) cùng với rất nhiều bộ áo quần đa dạng cho mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. Chỉ vừa treo được mấy ngày, quầy quần áo miễn phí này đã trở thành điểm đến ân tình của những người dân nghèo từ bác xe ôm, cô bán hàng rong cho đến cậu bán vé số, đánh giày… “Mọi người cứ lựa thoải mái. Thấy hợp cái nào cứ lấy cái đó, lấy cho mình, rồi lấy cho người thân. Đừng lấy nhiều quá, đủ rồi thì nhường cho người khác”, tiếng của bạn trẻ Hồ Đắc Lợi người phát động chương trình ủng hộ quần áo miễn phí cho người nghèo vang lên khiến người nhận ai cũng cảm thấy ấm lòng.

Các tình nguyện viên giúp người lao động chọn áo quần miễn phí ở quán cà phê số 29 Trần Thúc Nhẫn (TP. Huế)

Thời còn sinh viên, Lợi luôn năng động trong các hoạt động thiện nguyện. Ra trường, chàng trai trẻ này bận rộn với công việc nhưng vẫn dành thời gian cho những hoạt động hướng về người nghèo. “Mình không đi xa được thì làm tại chỗ. Miễn sao có ý nghĩa là được”, Lợi nói và lên ý tưởng quầy áo quần miễn phí. Biết được ý định đó, nhiều bạn bè trong công ty Lợi đã quyên góp khá nhiều áo quần, người giúp giặt giũ, người phụ đóng khung để treo. “Với mong muốn trao đi tấm lòng, không chỉ là người nghèo mà bất cứ ai thiếu có thể đến chọn cho mình bộ áo quần. Tuy chỉ là trang phục nhưng đối với người nghèo thì đó là món quà ấm áp tình người trong những ngày mưa lạnh”, Lợi tâm niệm.

Nhìn những người lao động nghèo khó đến nhận áo quần mới hiểu được hoạt động này ý nghĩa đến nhường nào. Cầm trên tay mấy bộ áo quần cũ từ quầy quần áo miễn phí mang về cho con gái, cô Nguyễn Thị Hiền (nghề buôn ve chai) xúc động bởi với cô nó còn quá mới, đẹp. Cô nói: “Chắc con gái tui sẽ vui lắm khi nhận được mấy bộ áo quần mới này. Bởi hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn còn lo từng bữa thì mua áo quần mới là điều ít khi gia đình tui nghĩ tới”. 

Thấy chương trình hay, nhiều bạn trẻ biết tin đã kêu gọi người thân, bạn bè ủng hộ thêm áo quần chở tới quầy của Lợi. Tất cả được chọn lựa kĩ càng, sắp xếp ngay thẳng, phân loại lớn nhỏ để tiện cho người nhận lựa chọn dễ dàng nhất.

Quầy áo quần miễn phí của chàng trai khuyết tật 

Người lành lặn làm thiện nguyện đã khó, ấy vậy mà chàng trai trẻ khuyết tật Phan Nguyễn Tiến Dũng (23 tuổi, ở 274 Bùi Thị Xuân, TP. Huế) khiến nhiều người khâm phục khi vượt lên nghịch cảnh để sẻ chia với người đồng cảnh ngộ. Dũng kêu gọi mọi người ủng hộ áo quần, giày dép cũ rồi đem ra trước nhà để… mời phận đời cơ cực đến nhận về sử dụng.

Phan Nguyễn Tiến Dũng chọn lựa áo quần, sắp xếp gọn gàng trước khi đưa đến với người nghèo

Đứng trước đống áo quần khá mới còn thơm mùi nước xả vải, Dũng khập khiễng vừa đưa tay ra hiệu và nói với mọi người cứ lấy áo quần thoải mái, tất cả miễn phí chứ không phải bán đồ bành. Nhìn Dũng ai cũng cảm phục tấm lòng và bất ngờ khi biết anh khuyết tật. Hỏi ra mới biết, năm lên 8 tuổi, anh được bác sĩ chuẩn đoán có khối u ở chân phải khiến các mạch máu bị tắc, bàn chân teo dần đi. Đến năm 20 tuổi, khối u ngày một lớn dần, bác sĩ lúc này chỉ định buộc phải cưa bàn chân phải đi thì mới giữ được mạng sống. Từ đó, Dũng gắn đời mình với chiếc chân giả bằng gỗ.

Hiểu được sự cơ cực của người khác, ngoài công việc làm đồ vàng mã, hàng ngày Dũng đi theo bè bạn làm thiện nguyện bất kể gần xa. Khi bận rộn với công việc, Dũng đã nghĩ ra chuyện kêu gọi ủng hộ áo quần ngay tại chỗ làm để mọi người nghèo có thể đến lấy. Tất cả áo quần này đều được giặt giũ sạch sẽ, phân loại gọn gàng. “Ban đầu nhiều người phản đối vì cho rằng lo thân mình chưa xong lại còn lo việc bao đồng. Nhưng rồi khi hiểu, họ cùng chung tay, ủng hộ để giúp đỡ người khó khăn”, Dũng kể. 

Quần áo cũ mà Dũng đưa ra cho mọi người lựa có đủ loại, từ trẻ em đến người lớn tuổi. Bà Nguyễn Thị Hoa (67 tuổi, làm nghề bán vé số) vừa lựa áo quần, vừa hớn hở bởi nói may mắn khi tìm được nhiều bộ đồ ưng ý cho mình và con. “Nó không cũ tí mô hết. Với chúng tôi như vậy là quý rồi. Cảm ơn những tấm lòng, cảm ơn anh Dũng”, bà Hoa rưng rưng.

Chưa dừng lại đó, Dũng dự định sẽ mở thêm quầy áo quần ở nhiều địa điểm khác ngoài thành phố, mỗi tháng một lần, để những phận đời lam lũ, khó khăn có thêm tấm áo mới.

Bài, ảnh: Phan Thành