Có sức hút

Sau 8 lần tổ chức, Giải thưởng đã có sức lan tỏa rất lớn, minh chứng là số lượng đề tài tham gia Giải thưởng 2016 tăng 69% so với Giải thưởng lần thứ VII năm 2014. Chất lượng các đề tài được nâng lên, trong đó, tính mới, tính ứng dụng được xem là tiêu chí quan trọng đánh giá thành công của các công trình. Những năm trước, các đề tài tham dự chỉ giới hạn trong phạm vi các trường đại học trên địa bàn. Gần đây, giải thu hút sự tham gia của các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng, các công ty nhà nước, tư nhân trên phạm vi toàn tỉnh.

 Lãnh đạo tỉnh trao giải cho Công ty Cấp nước Thừa Thiên Huế

Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị có nhiều đề tài tham gia, với ba đề tài đạt giải nhất. Các đề tài này đa phần đều đã được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty. Trong đó, đề tài được hội đồng chấm thi đánh giá cao là giải pháp kỹ thuật sử dụng cáp treo dây võng để treo ống vượt sông, suối khi thi công đưa nước lên vùng cao. Giải pháp kỹ thuật này đã được Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế áp dựng thi công hoàn thiện tại tuyến đường ống vượt sông Hữu Trạch đi qua xã Bình Thành, giúp công ty tiết kiệm nguồn kinh phí 800 triệu đồng/năm cho các chi phí điện năng, nhân công vận hành và duy tu bảo dưỡng nhà máy Bình Thành.

Năm 2016, Ban tổ chức Giải thưởng Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ đã trao giải cho 59 công trình thuộc 7 lĩnh vực dự thi, gồm: 9 giải nhất, 15 giải nhì, 18 giải ba và 17 giải khuyến khích. Giải thưởng trên phạm vi toàn quốc cũng gặt hái nhiều thành công khi tham gia 31 đề tài thì có đến 9 đề tài đạt giải (1 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích).

Cần chính sách hỗ trợ

Theo GS.TS Trần Hữu Dàng, Giải thưởng góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chia sẻ thêm về thành công của Giải thưởng, GS.TS Trần Hữu Dàng nhấn mạnh: Quá trình triển khai Giải thưởng, các thành viên ban tổ chức trực tiếp tham gia vận động từng cơ quan, trường học, doanh nghiệp để họ tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, động viên, hỗ trợ các nhà khoa học, nghiên cứu tham gia. Những khó khăn phát sinh đều được tạo điều kiện hỗ trợ, nhờ thế, Giải thưởng đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Anh Châu Ngọc Long, Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế chia sẻ, do khối lượng công việc trong hoạt động chuyên môn khá lớn nên nhiều lúc tưởng chừng không thể hoàn thành các thủ tục tham gia Giải thưởng. Nhưng ban tổ chức luôn tạo điều kiện hỗ trợ. Nếu không có sự hỗ trợ đó, có lẽ đơn vị khó hoàn thành tốt các đề tài tham gia dự thi và đạt liền 3 giải nhất.

Bên cạnh những thành công, thực tế triển khai Giải thưởng cũng tồn tại nhiều bất cập về cơ chế chính sách ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng. Các tác giả tham gia giải từng đề xuất cơ chế hỗ trợ, tạo động lực đưa đề tài tham gia Giải thưởng nói riêng và các đề tài khoa học nói chung đi vào đời sống. Các cấp có thẩm quyền cần có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng chế; hình thành hệ thống dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống. Cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào đời sống; có chính sách giúp các nhà khoa học làm giàu bằng chính sản phẩm của mình. Tỉnh cần hỗ trợ, cho vay vốn từ nguồn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ đưa các công trình đạt giải có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.

Tám lần tổ chức, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút 518 công trình đăng ký tham gia, trong đó có 223 công trình được trao giải. Số lượng cá nhân, đơn vị tham gia không ngừng gia tăng, các công trình đạt giải ở tỉnh và toàn quốc ngày càng nhiều.

Doãn Quan