Màu sắc không chuẩn, chỉnh sửa tùy tiện

Theo các nhà nghiên cứu, mở đầu cuộc họp, ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung – thành viên tham gia nhóm tư vấn thiết kế trùng tu, cải tạo đã sơ lược lại về lịch sử, tư liệu, hiện trạng tu bổ họa tiết, màu sắc của Đài chiến sĩ trận vong. Ông Quảng cho rằng, công trình này được nghiên cứu công phu bao gồm các họa tiết, màu sắc căn cứ trên thực tế mà nhóm thiết kế đã khảo sát trực tiếp trên bề mặt công trình.

Một số họa tiết trên công trình tu bổ không chính xác được các nhà nghiên cứu in ra đối chứng

Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra ý kiến về câu chuyện màu sắc, họa tiết – 2 vấn đề chính gây nên sự tranh cãi trong quá trình trùng tu. “Trùng tu hay cải tạo, hai vấn đề này không đi đôi với nhau. Phần nữa phải xác định rõ ràng công năng của Đài chiến sĩ trận vong. Nếu là đài tưởng niệm thì khác, còn nơi phục vụ cho văn hóa nghệ thuật thì có ý nghĩa khác nữa. Nhưng làm gì thì làm chung quy phải tôn trọng sự thật lịch sử”. Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế trích lại một ý kiến trong cuộc họp.  

Một vài ý kiến khác cũng cho rằng màu sắc mới làm mất đi thần thái công trình, khiến người dân không còn cảm thấy thân quen như trước. Với kĩ thuật hiện đại ngày nay, có thể làm công trình mới vẫn đảm bảo nguyên gốc và sự cổ kính.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng, giá như có cuộc họp này trước khi công trình được khởi công. Theo ông Hoa, các đơn vị có liên quan làm đúng quy trình nhưng không đúng chất lượng, không thoả mãn việc tu bổ. Đương nhiên, nếu không đúng chỗ nào thì phải điều chỉnh chỗ đó mà trọng tâm là màu sắc, họa tiết. “Các anh căn cứ yếu tố màu sắc nguyên bản nhưng không sơn chuẩn thì cũng như không. Đừng mong 10 - 15 năm sau thời gian sẽ làm rong rêu, bởi ngay từ đầu tông màu đó đã không chuẩn. Một số họa tiết bị chỉnh sửa quá tùy tiện”, ông Hoa nhấn mạnh.

Đề nghị lập hồ sơ

Cũng tại buổi họp, ý kiến lập hồ sơ cho công trình Đài chiến sĩ trận vong nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Ông Hoa đề nghị lập hồ sơ công trình này như một hồ sơ di tích, tất cả các dữ liệu Thừa Thiên Huế phải được nghiên cứu, ghi chép đầy đủ, kể cả danh sách những người Pháp, dòng chữ Pháp trên đó. “Tôi cũng đề nghị cân nhắc khôi phục lại họa tiết biểu tượng kim khánh bởi nó là thành tựu kiến trúc. Chính biểu tượng đó làm nên vẻ đẹp công trình”, ông Hoa đề nghị. Cùng với đó, khôi phục thêm không gian phía trước mặt, và đường dẫn từ ngoài vào 10m.

Theo thông tin chúng tôi có được, tại cuộc họp ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP.Huế ghi nhận những ý kiến của các nhà nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành điều chỉnh, khắc phục sao cho hợp lý. Cụ thể như, nhất trí lập hồ sơ đầy đủ về công trình; điều chỉnh tên dự án là “tu bổ và tôn tạo” chứ không phải “trùng tu, cải tạo”; điều chỉnh một số họa tiết đúng với nguyên trạng ban đầu…

Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, ông Quảng cho biết các nhà nghiên cứu còn bàn về phương pháp tu bổ, màu sắc. “Chúng tôi sẽ xem xét lại phông màu, riêng họa tiết ở những chỗ chưa đúng sẽ được chỉnh sửa lại. Chúng tôi hoàn toàn tiếp thu ý kiến của mọi người, tuy nhiên phải đợi thời gian tạnh ráo, nắng lên xem ngả màu như thế nào, chứ không thể làm vội được”, ông Quảng thông tin.

PHAN THÀNH