Cật lực mưu sinh
Những ngày này, dạo quanh các ngả đường, nhất là ở các ngôi chợ lớn bắt gặp nhiều lao động nghèo từ các ngoại ô lên thành phố để tìm việc thời vụ. Từ công việc nặng nhọc, như bốc vác, gánh hàng thuê đến các việc nhẹ như tỉa cây cảnh, dọn nhà, dọn vườn… họ đều không nề hà, chỉ mong có thêm thu nhập trang trải dịp Tết.
Hàng hóa dịp tết đổ về ngày càng nhiều, người lao động có thêm thu nhập
Chợ đầu mối Bãi Dâu tờ mờ sáng đã thấy nhiều lao động nghèo đổ về đây mưu sinh. Khi những chuyến xe hàng ập đến cũng là lúc mọi người có thêm công việc. Chị Nguyễn Thị Thanh, (phường Phú Bình, TP. Huế) nói: “Tui làm nghề bốc vác ở đây được gần 10 năm. Nhà không có vốn để làm ăn, ít ruộng vườn nên chỉ biết làm thuê kiếm sống. Những ngày bình thường thu nhập khoảng 100 nghìn đồng. Dịp giáp tết, hàng hóa đổ về chợ lớn hơn nên thu nhập cao hơn”.
Tại ngôi chợ được xem là “dạ dày” của TP. Huế và các vùng lân cận này có gần 100 lao động tự do, phần lớn là những người hành nghề bốc vác đến từ các phường Phú Hiệp, Phú Hậu, Phú Bình… Chị Trần Thị Hồng, hành nghề bốc vác, chia sẻ: “Chợ ni có khoảng 60 người bốc vác, 70% trong số đó là phụ nữ. Còn lại là các bác xích lô, xe thồ. Mặc dù mấy hôm ni trời mưa lạnh, nhưng ai cũng cần tiền trang trải cho những ngày tết sắp đến nên phải chịu khó làm việc gấp đôi so với ngày thường”.
Ngoài dân cửu vạn, cánh xích lô, xe thồ cũng có nhiều hơn những cuốc xe. Mặc cho tiết trời giá lạnh, mọi người sửa soạn sắm tết, vòng xe họ vẫn lăn trên bước đường mưu sinh. Ông Hà Văn Tư, 63 tuổi, trú tại phường Phú Hiệp, cho biết: “Với xe thồ, những ngày gần tết là dịp ăn nên làm ra. Hàng hóa dịp tết rất nhiều nên thu nhập của tụi tui cao hơn so với ngày thường. Năm mô tụi tui cũng làm việc cật lực đến tận chiều 30 tết để mong có thêm thu nhập để trang trải dịp tết”.
Giáp tết cũng là thời điểm nhiều công việc vào mùa cao điểm, như dịch vụ vệ sinh nhà cửa, bán hàng… nên nhiều lao động tự do có thêm công việc để nâng cao thu nhập.
Chờ ngày đoàn viên
Không chỉ lao động nghèo trong tỉnh, những ngày này những lao động các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi…cũng miệt mài mưu sinh. Ông Phạm Thanh Hùng (57 tuổi, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), kể: “Vì hoàn cảnh đưa đẩy nên tui đến với nghề bán hàng rong. Gia đình có 3 con đều lập gia đình, vì không có ruộng vườn rộng nên cũng chỉ làm thuê để kiếm sống. Ruộng để vợ ở nhà làm, còn tui lang thang bán hàng rong mong tích cóp một ít để có cái sau này mà dưỡng già”.
Suốt ngày rong ruổi khắp các ngả đường, quán xá trong thành phố, ông Hùng kiếm được từ 50 đến 70 nghìn đồng. Ông Hùng chia sẻ: “Hơn 3 tháng rồi, tui chưa về nhà. Mỗi khi về nhà trọ nằm một mình lại cồn cào nhớ vợ và cháu nội. Mỗi ngày kiếm được 100 nghìn đồng nếu về nhà thường xuyên thì lấy tiền mô ra. Mọi năm, dịp giáp tết không mưa sẽ bán được nhiều hàng hơn. Năm nay, Huế mưa kéo dài nên hàng hóa cũng ế ẩm nhưng phải ráng để tết về mua cho cháu bộ áo quần mới, kiếm thêm chút tiền trang trải chi phí gia đình”.
Chẳng khác mấy ông Hùng, vợ chồng anh Nguyễn Tùng quê ở Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam cũng không có ruộng vườn, đất đai, vợ lẫn chồng đều không có nghề nghiệp ổn định nên chọn nghề bán hàng rong. Hai đứa con đành để lại cho ông bà ngoại chăm sóc. Chị Lê Thị Hồng (vợ anh Tùng) chia sẻ: “Con tui đứa lớn năm nay 16 tuổi, đứa nhỏ cũng đã 12 tuổi. Tụi tui ra Huế bán hàng rong đã được gần 4 năm. Mỗi tháng gửi cho ông bà ngoại 1 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt cho các con. Lúc nào nhớ con thì một người ở lại bán còn một người về quê. Tết năm nay, thời tiết không thuận lợi nên bán ít hàng. Vợ chồng tui đợi đến những ngày cận tết, chợ hoa bắt đầu sẽ có nhiều khách hơn. Lúc đó sẽ có thêm tiền sắm tết, về quê sum vầy với gia đình”.
Với những người tha phương, Tết là dịp đoàn viên, thế nhưng nỗi lo cơm áo đè nặng lên đôi vai, họ chỉ ước mong sớm sum vầy cùng gia đình. Bà Trần Thị Chín (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), một người bán hàng rong tâm sự: “Nếu ở quê đi làm những công việc khác thì không đủ tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Tui có đứa con gái học đại học năm 3 ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng chu cấp cho nó 1,5 triệu đồng, nếu chỉ làm nông ở quê thì không đủ. Làm công việc này trừ tiền cơm, tiền nhà trọ thì mỗi tháng cũng dư được hơn 1 triệu để gửi cho con. Tui chỉ mong cận tết bán được nhiều hàng để sớm đoàn viên cùng gia đình”.
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, có nhiều đơn vị sử dụng lao động đăng ký tại trung tâm. Các lao động có thể đến đây để được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. |
Bài, ảnh: Lê Thọ