Một chiếc chở hàng trên sông Danube, Bulgaria. Ảnh: Scott Wallace

Theo báo cáo Triển vọng Tình hình Kinh tế thế giới năm 2017 của LHQ (WESP), nền kinh tế thế giới tăng chỉ 2,2% trong năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009. Tổng sản lượng thế giới dự kiến ​​sẽ tăng 2,7% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018, có điều chỉnh giảm nhẹ so với các dự báo được thực hiện hồi tháng 5/2016.

Báo cáo lưu ý rằng, trong khi các nước đang phát triển tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, chiếm khoảng 60% tăng trưởng tổng sản lượng của thế giới trong giai đoạn 2016-2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng ở các nước kém phát triển nhất được dự đoán sẽ còn thấp hơn Mục tiêu phát triển bền vững 8 (SDG8) ít nhất 7% (mục tiêu 8.1).

"Theo quỹ đạo tăng trưởng hiện tại và giả sử không có sự suy giảm thu nhập một cách bất bình đẳng, gần 35% dân số ở các nước kém phát triển nhất có thể vẫn còn trong cảnh nghèo đói vào năm 2030," một thông cáo báo chí ngày qua công bố.

Hơn nữa, nhấn mạnh sự cấp bách của những nỗ lực khắc phục tình trạng này, ông Lenni Montiel - Trợ lý Tổng thư ký LHQ về phát triển kinh tế kêu gọi "tăng gấp đôi các nỗ lực để giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại một cách mạnh mẽ hơn, tăng trưởng toàn diện hơn và tạo ra một môi trường kinh tế quốc tế có lợi cho sự phát triển bền vững".

Cần lưu ý rằng, mức độ khí thải carbon toàn cầu đã giảm trong 2 năm liên tiếp, đây rõ ràng là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm cường độ năng lượng trong các hoạt động kinh tế và sự gia tăng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng tổng thể.

Theo báo cáo, đầu tư năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển đã vượt các nước phát triển trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu không có những nỗ lực chính sách phối hợp từ cả khu vực công cộng và tư nhân, các cải tiến gần đây trong việc giảm thiểu khí thải có thể dễ dàng bị đảo ngược.

Trong bối cảnh môi trường kinh tế và tài chính đầy thách thức, báo cáo hướng tới một cách tiếp cận chính sách cân bằng hơn để không chỉ khôi phục lại một quỹ đạo tăng trưởng trung hạn khỏe mạnh, mà còn để đạt được tiến bộ lớn hơn trong sự phát triển bền vững, đồng thời cũng kêu gọi sự hợp tác chính sách quốc tế lớn hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN)