Cao Thị Mỹ Hương: “Ưa học xong mau cho mạ đỡ khổ”

“Năm 2003, anh thứ hai của em bị bệnh về não phải nhập viện mổ. Ba em vào chăm sóc anh trong bệnh viện một năm rồi ngã bệnh ung thư gan. Vài tháng sau thì ba mất. Anh em cũng qua đời, anh thứ tư cũng bị tai nạn sau đó. Nhà có 8 anh chị em thì chỉ 3 người được đi học”, Mỹ Hương, cô tân sinh viên ngành Hóa, Trường đại học Khoa học kể về hoàn cảnh của mình trong nước mắt. 
 

Cao Thị Mỹ Hương

 
Nhà Hương ở thôn 6, xã Điền Hải (Phong Điền). Trong 8 anh chị em thì 4 người đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh đều nghèo khó, 2 người anh trai hiện làm công nhân ở Vũng Tàu. Mẹ Hương 66 tuổi lại hay đau ốm nhưng vẫn cáng đáng 3 sào ruộng để lấy tiền cho Hương ăn học. Trong cái nghèo cái khó, Hương vẫn nỗ lực học tập và đã đạt giải ba học sinh giỏi cấp huyện năm lớp 8. “Khi biết tin đậu đại học, em vui lắm nhưng rồi lại lo mạ không có tiền cho đi học. Làm ruộng cực nhọc mà thu nhập chẳng đáng là bao, mỗi ngày chỉ được 20.000-25.000 đồng, chị à”, Hương gạt nước mắt.
 
Tưởng chừng đã vụt mất cơ hội học đại học bởi không có tiền nộp học phí thì một niềm vui khôn tả đã đến với Hương khi nghe người cháu giới thiệu về chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi trẻ. Hương liền tìm đến tòa soạn báo để làm đơn xin học bổng và chỉ hai ngày sau, em nhận được tin vui sẽ được cấp học bổng. “Học bổng trị giá 5 triệu đồng thì học phí cho học kỳ đầu đã là 3,2 triệu đồng. Em sẽ đi dạy thêm để kiếm tiền nộp học phí học kỳ tới. Hiện em xin ở nhà bà con và phụ giúp bán hàng để đỡ tiền nhà trọ”, Hương cho biết. Hỏi mong muốn lớn nhất của em giờ là gì, Hương bảo “em chỉ ưa học xong thật mau cho mẹ đỡ khổ!”.
 
Trần Thị Ngọc Cẩm: “Em chỉ mong mẹ khỏe”
 
Gần đây, cả xóm quanh ngôi nhà đơn sơ số 2/47 Hoàng Quốc Việt, phường An Đông ai cũng mừng cho mẹ con sinh viên Trần Thị Ngọc Cẩm khi biết tin cô bé đậu vào Khoa Sư phạm Anh, Trường đại học Ngoại ngữ. “Đi mô họ cũng nói không ai như con mụ Rơi (Lê Thị Rơi, mẹ của Cẩm - PV), hai đứa con đều đậu đại học. Ai cũng mừng cho mình vì nhiều người nhà giàu mà con không đậu đại học”, mẹ Cẩm kể với vẻ tự hào.

Từ ngôi nhà nghèo này, Cẩm vẫn vươn lên học giỏi và đậu hai trường đại học

 
Mẹ Cẩm không mừng sao được khi hai đứa con lớn đều không đua đòi bạn bè, chăm ngoan và học giỏi dù nhà vô cùng nghèo khó. Đứa em nhỏ nhất giờ còn học mẫu giáo. Ba Cẩm đã mất vì ung thư từ lúc Cẩm học lớp 9. Phải vay mượn nhiều để chữa bệnh cho ba nên ba mất gánh nặng nợ vẫn còn. Từ 3h sáng, mẹ Cẩm đã phải dậy nấu bánh canh để sáng sớm lên bán ở chợ An Cựu. Ngày may mắn bán hết cũng chỉ lời hơn 40.000 đồng. Đây cũng là số tiền ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của bốn mẹ con Cẩm. Hôm tôi đến, chờ mãi đến quá 11h30’ mới thấy mẹ Cẩm về. “Ngày ni bị đuổi lên đuổi xuống, ế quá nên về sớm đó chớ mọi ngày phải tới 12h trưa mới về. Ế ri là khỏi mua đồ ăn rồi, bốn mẹ con lại ăn bánh canh thôi”, chị Rớt nói.
 
Nhà nghèo nên Cẩm chọn học sư phạm “một phần đỡ tiền học phí và một phần em cũng muốn trở thành giáo viên để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như mình”, Cẩm tâm sự. Cách đây hai năm, anh Cẩm đã đậu vào Trường đại học Kinh tế và đã được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi trẻ. Năm nay Cẩm cũng làm đơn xin học bổng này và đã được chấp nhận. Biết tin, cả nhà Cẩm đều mừng vì đang lo không biết lấy đâu ra tiền để nộp học phí cho anh Cẩm.
 
Nhà nghèo nhưng Cẩm học khá giỏi. Năm lớp 9, em đã được giải trong kỳ thi học sinh giỏi môn Địa. Lên cấp ba, đạt giải 3 môn Văn ở kỳ thi học sinh giỏi của Trường Hai Bà Trưng. Anh của Cẩm cũng được nhận học bổng của Trường đại học Kinh tế nên cũng đỡ phần nào cho mẹ. “Hôm biết tin con đậu đại học, tui mừng quá ngủ không được ăn không được. Cực thì cực nhưng con đậu đại học sướng quá. Cực mấy tui cũng lo cho con học”, nói đoạn mắt chị Rớt đỏ hoe.
 
“Em chỉ mong mẹ khỏe chứ mẹ đau là hết đi bán, không có tiền cả nhà không biết làm răng”, Cẩm nói trước khi chia tay với chúng tôi.
 
Ngọc Hà