Xôi chè trước tiên là để cúng tổ tiên, ông bà và với người Huế mình, ngày Tết lại gắn liền với chuyện cúng bái. Nó bắt đầu chính thức bằng lễ cúng tất niên chiều 30 Tết, một lễ cúng mặn và mâm lễ cúng xong là “cấp ngay” trong bữa tiệc đoàn viên gia đình cuối năm. Còn xôi chè là chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa, kèm theo nhiều loại mứt bánh đồ ngọt khác và đây là điểm khác biệt giữa người Huế mình với nhiều nơi, đặc biệt là so với miền Bắc, thường dung hòa và kết hợp cả mặn lẫn ngọt trong mâm cỗ giao thừa.

Không cúng mặn mà chỉ cúng lạt với chủ yếu là xôi chè, bánh mứt là bởi người Huế quan niệm, mâm cúng giao thừa là vật phẩm dùng cho cả mồng một Tết, do đó đầu năm mới con người ta nên đón nhận những thứ thanh tao, ngọt ngào. Rằm và mồng một là ngày ăn chay của nhiều gia đình Huế cũng là lý do. Mạ tôi ở quê còn bảo, ngày Tết, nhất là mới sáng mồng một mà trống huơ, trống hoắc thì ông bà buồn lắm, vậy nên trên bàn thờ gia tiên phải đầy đủ chè xôi, bánh mứt, càng nhiều càng tốt. Sang mồng một, con cháu đến thăm ông bà, chú bác, cô dì. Gặp buổi khó khăn, thì mời chén chè, dĩa xôi là tiện nhất. Con cháu cố mà ăn lấy thảo cho ôn mệ vui lòng và càng vui hơn khi sau đó kèm theo vài lời khen để người lớn mát dạ, mát lòng.

Không chỉ xuất hiện trong mâm lễ cúng Giao thừa hay trên bàn thờ của các gia đình, nghe bảo xôi chè còn là vật phẩm không thể thiếu trong dịp Tết ở chốn Hoàng cung. Đầu năm mới, các vị vua Nguyễn đều có đại tiệc ban mừng năm mới. Thực đơn trong mâm cỗ hạng nhất của đại tiệc được tổ chức rất linh đình và sang trọng kia bao giờ cũng có xôi chè. Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình, cụ thể nó gồm có thức ăn 27 món, bánh 15 loại, mứt 12 loại, trái cây 23 loại, xôi 2 loại, chè 1 loại. Tôi cũng đã cố công tìm hiểu và được biết, đó là chén chè hột sen nổi tiếng đất Thần kinh, riêng xôi thì chỉ biết vẻn vẹn dĩa xôi đỏ và dĩa xôi xanh.

Trở lại với xôi chè ngày Tết ở các gia đình xứ Huế. Món xôi cúng Tết không quá cầu kỳ và công phu. Thông thường được nấu chỉ bằng đơn nhất là loại lúa nếp hay kèm theo với các loại đậu phộng, đậu xanh… Xứ Huế có nhiều vùng quê có các loại nếp nổi tiếng. Ngày trước, phía bắc có loại nếp đinh, còn gọi là đinh hương, trắng tinh, hạt tròn, rất thơm và dẻo. Ở phía nam, có nếp làng Phù Bài. Còn đi về phía đông có nếp An Truyền, tên gọi khác của làng Chuồn, từng nổi tiếng qua câu ca:“Gạo de An Cựu, nếp thơm An Truyền”. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, Thừa Thiên Huế tổng cộng có tới 18 loại nếp thơm ngon. Với người Huế vào ngày Tết, nếp được chuẩn bị nhiều là để làm bánh chưng, bánh tét. Còn để dành nấu xôi chỉ dăm bảy lon là đủ.

Nếp cũng để nấu chè, gọi là món chè nếp. Thế nhưng, đó chỉ là một trong số các loại chè Tết. Chè nào chẳng nấu với đường, chỉ có điều mỗi năm mỗi thay đổi món chè, mỗi nhà một kiểu nấu chè khác nhau. Tên chè thường ghép với các nguyên liệu nên ngày Tết, ta có chè nếp, chè đậu xanh, chè đông sương, chè hột sen, hay các loại chè bột lọc bọc đậu phộng, đậu xanh hồ bột lọc… Tuy nhiên, cũng giống như xôi, chè ngày Tết ở Huế phải nấu cho nhiều để đủ cúng, từ mâm cúng giao thừa ngoài trời đến xôi chè đặt cúng ở các bàn thờ ông bà, ngoài am trong bếp, rồi trang ông, trang bà. Chén múc chè hay dĩa đơm xôi là loại nhỏ tý để có thể múc, đơm được nhiều. Lại nữa “sau cúng là cấp” nên xôi chè phải là thứ để dành được dăm ba hôm.          

Xưa gặp thời khó khăn, lũ trẻ quê như tôi nhớ Tết và mong chờ Tết, bởi trong vô vàn niềm vui có thêm cái thú được ăn xôi chè. Nó vận với lời của câu ca dao:“Cu kêu ba tiếng cu kêu / Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè…”. Ba ngày Tết đến, không có lắm trò vui chơi giải trí, chẳng nhiều của ngon vật lạ để ăn, vậy nên cũng chỉ loanh quanh trong xóm, lên ôn ngoại về mệ nội, hết “ăn chè rồi lại ăn xôi” (ca dao). Bây giờ ở phố, trong nhiều nỗi nhớ Tết quê, nhớ nhất vẫn là lễ cúng giao thừa và bàn thờ ngày Tết với những dĩa xôi, chén chè ngay ngắn sau màn khói hương trầm phơ phất. Chợt nhớ, có ai đó đã nói rất hay rằng, chén chè và dĩa xôi ngày Tết là bóng dáng của quê hương đong đầy và trĩu nặng trong mỗi con và tâm hồn xứ Huế.

Đan Duy