Đơn hàng nhiều
Ông Lê Văn Trực kể: “Người tạo dựng nên nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên là “bàn tay vàng” quốc gia, nghệ nhân Lê Độ Túy. Không phụ lòng nghệ nhân, những người con làng nghề Mỹ Xuyên đã chăm chút, cần mẫn học nghề và tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo làm hài lòng khách. Hiện, sản phẩm chính của DN là nhà rường, bàn ghế, tủ và đồ gỗ mỹ nghệ trang trí nội ngoại thất. Để mở rộng quy mô, DN đang đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất quy mô 700 m2 và cửa hàng trưng bày sản phẩm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch”.
Tại cơ sở điêu khắc của nghệ nhân Ngô Đức Phi, bữa cơm thợ bị lùi lại cả 2 tiếng đồng hồ khi lượng khách đến đặt và mua hàng rất đông. Là cơ sở chuyên sản xuất các loại tượng trang trí dịp Tết như tượng Di Lặc, Quan Vân Trường, Thần tài…, đây là dịp khách hàng đến chọn mua về trang trí cầu mong năm mới bình an, phát lộc, phát tài. “Do số lượng khách đến mua hàng đông nên cơ sở đang huy động hơn chục thợ giỏi làm thâu đêm để kịp giao hàng cho khách. Từ 25 tháng Chạp đến 30 Tết, cơ sở phải hoàn tất 15 bức tượng trả hàng, sau đó mới nghỉ Tết. Làm nghề mà có nhiều đơn hàng như ri là vui rồi, không mong gì hơn mà chỉ biết cống hiến cho nghề. Ra Tết, cơ sở sẽ sáng tạo thêm nhiều mẫu mới có kích thước nhỏ, gọn để phục vụ du khách dịp Festival Nghề truyền thống”, nghệ nhân Ngô Đức Phi phấn khởi.
Nhiều ngôi nhà rường trị giá hàng tỷ đồng được sản xuất từ đôi bàn tay cần mẫn của người dân làng Mỹ Xuyên
Thu nhập cao
Theo Trưởng Ban quản lý làng nghề Mỹ Xuyên Lê Văn Trực, hiện làng nghề Mỹ Xuyên có 700 hộ, trong đó trung bình mỗi hộ đều có từ 1-2 người gắn bó với nghề mộc và điêu khắc gỗ. Trong đó, có trên 200 người tham gia sản xuất tại 20 cơ sở với mức lương từ 5-15 triệu đồng/người/tháng. Đây được xem là nghề “hot” và có thu nhập cao. “Không có điều kiện học chữ, em theo học nghề từ những người đi trước và gắn bó với nghề hơn 6 năm. Hiện, thu nhập mỗi tháng được 7 triệu đồng. Ngoài ra, em tranh thủ “học lóm” nghề điêu khắc, chạm trổ để sau này mở cơ sở riêng. Nghề này thu nhập ổn định, tiền thưởng Tết kha khá nên em rất vui”, Ngô Đức Thanh Hà chia sẻ.
Ngoài các đơn hàng là sản phẩm mộc dân dụng trang trí dịp Tết cổ truyền, các DN và cơ sở sản xuất đang thi công nhà rường, bàn ghế để kịp giao cho khách vào những ngày đầu năm mới Đinh Dậu nên không khí của làng nghề như tất bật và khẩn trương hơn. “DN vừa nhận đơn hàng thi công nhà rường trị giá 2,4 tỷ đồng của một vị khách ở thị xã Đông Hà (Quảng Trị) và buộc phải giao vào ngày 10 tháng Giêng. Vì vậy, năm nay thợ phải nghỉ Tết muộn và đi làm sớm hơn mọi năm để không trễ hẹn với khách”, ông Lê Văn Trực nói.
Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tự Dũng cho biết: “Nghề điêu khắc gỗ ở làng Mỹ Xuyên đang phát triển nhanh và tạo ra nhiều mẫu mã mới, tinh xảo phục vụ thị trường. Song, hiện nay, làng nghề cần lực lượng lao động trẻ, có trình độ để kế nghiệp những tiền bối lâu năm nhằm sáng tạo ra các mẫu sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Sắp tới, Sở sẽ hỗ trợ các khóa tập huấn về kỹ năng phục vụ khách du lịch, đầu tư thiết bị và đào tạo nghề với mong muốn đưa làng nghề Mỹ Xuyên phát triển theo hướng bền vững.
Bài, ảnh: Thanh Hương