Sắc xuân ở Phủ Tùng Thiện Vương

Tết vẫn rộn ràng

tại các phủ xưa, ít nhiều không khí đón Tết vẫn được lưu truyền. Một trong những nơi còn giữ gìn khá nguyên vẹn các nghi lễ đón Tết xưa là phủ Tùng Thiện Vương ở 91 đường Phan Đình Phùng. Phủ nằm bên bờ sông An Cựu, tồn tại từ năm 1856, hiện do cháu đời thứ tư là ông Bửu Tộ coi sóc và là Trưởng ban Quản trị phủ. Theo quy định, họ hàng sẽ chọn 1 ngày chủ nhật trong tháng Chạp, tập hợp con cháu để đi chạp mộ tổ tiên trên đồi Từ Hiếu, sau đó về phủ nấu cơm cúng và nhân tiện làm tiệc gặp mặt cuối năm để cùng nhau bàn bạc việc chuẩn bị đón Tết. Ban Quản trị giao cho Ban Nghi lễ, cử 1 người đại diện chỉ đạo việc sắp xếp việc cúng, chạp, làm cỗ theo đúng phong tục của phủ được lưu truyền nhiều đời nay. Ngày 25 tháng Chạp phải hoàn tất các lễ dâng hương, dâng hoa lên 3 bàn thờ chính và 10 bàn thời phụ trong phủ để mời ông bà tổ tiên trong dòng tộc về đón Tết cùng con cháu.

Hầu hết lễ vật là do con cháu trong họ mang đến cúng. Các loại bánh trái có thể tự làm hoặc mua tùy ý, riêng nồi bánh chưng giao cho Ban Nấu ăn của phủ. Ban Nấu ăn thường có khoảng 10 người, trong thời gian Ban Nghi lễ dâng hương, Ban Nấu ăn lên kế hoạch nấu bánh chưng, bánh tét. Việc nấu bánh chưng bánh tét là quy định không thể bỏ qua. theo ông Bửu Tộ, từ xưa con cháu phủ Tùng Thiện Vương xem việc nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết cúng tổ tiên là việc làm thể hiện sự tôn vinh công ơn vua Hùng. Vì thế, làm gì thì làm, bánh chưng, bánh tét cúng ở phủ Tùng phải do con cháu tự làm chứ không được mua ở chợ. điều ông Bửu Tộ mừng là đến nay con cháu hoàng tộc vẫn còn nhiều người tự làm bánh, mứt để dâng cúng phủ ngày Tết. Đến mồng 1, tất cả con cháu hoàng tộc trang phục chỉnh tề về phủ lạy tổ tiên đầu năm, nhận thiệp chúc Tết và bao lì xì lấy may cho cả năm. dịp này, ai làm ăn khá giả thì tự nguyện đóng góp kinh phí để bảo dưỡng, chăm sóc, trùng tu phủ.

Tự gói bánh chưng, bánh tét là “qui định” của con cháu phủ Tùng Thiện Vương

Nhiều quy định không thay đổi

Tại phủ An Thường công chúa ở 63 Nguyễn Công Trứ, (công chúa An Thường là con gái trưởng của vua Minh Mạng, chị ruột của Tùng Thiện Vương). Bà Hà Thị Như Mai (75 tuổi), là con dâu lớn tuổi nhất trong phủ An Thường cho biết, ngoài việc sửa soạn bàn thờ trong phủ trước Tết, ngày mồng 1 Tết phải có mâm cơm chay cúng tổ tiên. Một việc cũng hết sức quan trọng trong việc chuẩn bị đón Tết ở phủ An Thường công chúa là chăm sóc, chỉnh trang lại cổng phủ và hai hàng chè tàu. Phủ An Thường công chúa tồn tại đến nay khoảng 200 năm, vào năm 1820 khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng đã về đây cư tang 3 năm. Năm 1930, phủ bị hư hại do một cơn bão, nhờ con cháu bà chúa góp tiền trùng tu nên về cục diện có phần thay đổi. Tuy nhiên, bà Như Mai cho biết, từ ngày bà về làm dâu trong phủ (năm 1969) đã biết quy định không được thay đổi thiết kế cổng và hàng rào. Trái với những chiếc cổng phủ của các vương tôn thường xây gạch to, trang trí hoa văn và chạm phù điêu rất tỉ mỉ, cổng phủ An Thường được làm bằng gỗ, rộng chừng 1,5m, cao hơn 3m, nhìn nhỏ nhắn hiền lành và rất khiêm nhường thể hiện tư chất con người công chúa lúc sinh thời.

Với những con người đang sống trong khuôn viên phủ, bà chúa An Thường chỉ còn là truyền thuyết, nhưng nếp sống hoàng tộc vẫn đang được các thế hệ con cháu lưu truyền lại.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN