Nhớ lại hồi trước, đường làng còn là đường đất, cong queo, ngoằn ngoèo, ngõ vào nhà thì chỗ lồi ra, chỗ thụt vô và san sát những lũy tre xanh. Mùa đông mưa rề, gió bấc cũng là mùa tre rụng lá. Cứ một đợt gió ngang qua, những cây tre rùng mình trút xuống bao nhiêu là lá, là cành và cả những chiếc mo nang che chở cho măng thành tre khi đã hoàn thành sứ mệnh là rời khỏi thân cây. Tết nhất cũng đã cận kề nhưng ở nông thôn chẳng nhà mô rảnh để quét sân chứ đừng nói quét đường khi mà cánh đồng đang vào vụ cấy. Từ khi gà gáy sáng đến khi đỏ đèn người người, nhà nhà vẫn  đang quần quật ngoài đồng lo cho cây lúa xuống đồng kịp thời vụ… Rồi một ngày mưa tạnh, việc đồng áng đã hòm hòm, ngọn gió bấc cũng chừng bớt se sắt hơn; khi đó người làng tôi mới nghĩ đến tết.

Tết đến gần rồi nên trước hết phải lo làm sạch đường, đẹp ngõ. Sau lễ cúng hăm ba tháng chạp đưa ông táo về trời, xóm tôi tổ chức họp xóm. Bên chén nước chè xanh bác trưởng xóm tuyên bố: Ngày mai tất cả các nhà trong xóm huy động cuốc, cào, rựa, chổi… từ người lớn cho đến con nít dọn dẹp từ ngã ba đầu xóm đến truông độn cát cuối xóm để đón tết. Sáng sớm mai đã nghe tiếng kẻng của chú lo việc xóm đánh “keng! keng! keng!” cho ngày lao động tập thể cuối năm. Công việc cũng chẳng có chi nặng nề, người lớn con nít cùng làm cùng vui trong lao xao cười nói. Đàn ông thì dùng rựa phát quang hàng rào, chặt những cây, cành mọc lộn xộn chìa ra lối đi; phụ nữ và con nít thì cào quét lá tre thành từng đống một. Chỉ vài tiếng đồng hồ, con đường của xóm tôi đã được mặc áo mới, chiếc áo màu nâu của đất quê tinh tươm. Vui nhất vẫn là đoạn đốt lá tre. Những đống lá tre được gom lại châm lửa đốt. Khói tỏa lên mù mịt làm mắt mũi cay xè. Lũ con nít cầm tay nhau chạy từ đầu xóm đến cuối xóm hát nghêu ngao những bài ca đồng dao về tết… Mùi khói của lá tre chẳng có chi đặc biệt nhưng cứ nồng nàn mãi mỗi khi nhớ về những ngày cuối năm ở làng.

Thường qua hai mươi tháng chạp, bà nội kêu ba tôi bắc thang hạ buồng chuối móc trong vườn đã tròn khến, rồi thêm mấy trái đu đủ, vú sữa, trứng gà… còn xanh trên cây. Cùng lúc ba hạ buồng chuối thì tôi cũng nhảy tót lên cây sầu đâu bẻ những cành lá xanh xuống để bà dú trái cây. Tất cả những trái cây trong vườn được bà đưa vào cái lu sành, ủ rơm khô và lá sầu đâu vô để dú. Bà dặn: “Mấy đứa cháu không được mở lu ra để nhìn chùng nghe, trái cây nó ốt dột không chịu chín kịp tết mô đó!”. Nghe bà dặn rứa nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tò mò mở nắp lu coi thử lũ trái cây đã chín hay chưa. Mùi lá sầu đâu quyện với mùi rơm và mùi mấy loài trái cây đương chín tỏa ra từ cái lu sành thơm sực nức một góc nhà…

Những ngày giáp tết còn một công việc nữa của  anh em chúng tôi là đi gom lá chuối. Ba rọc lá chuối ngoài vườn, mấy anh em tôi đi gom lại đem vô sân phơi chuẩn bị gói bánh. Phơi cho lá chuối vừa đủ mềm là đem vô rọc từng đoạn lá vuông vức. Lúc đó tôi được nhiệm vụ lau lớp phấn còn vương trên từng mảnh lá.Nếu trời mưa thì đưa lá chuối được luộc sơ qua cho mềm mới gói được bánh. Mùi lá chuối cũng thơm thơm thiệt hiền có lẽ bởi cái háo hức về nồi bánh chưng, bánh tét sẽ đỏ lửa trong ngày cuối năm đang tới…

Chiều cuối năm, mạ tôi gom nhặt các loại lá thơm trong vườn như sả, bưởi, chanh… bỏ thêm mấy lát gừng tươi rồi nấu một nồi nước lá  thiệt to. Nồi nước lá thơm một phần để dành cho mạ và bà nội gội đầu; một phần để tắm gội cho mấy anh em tôi. Cái mùi thơm thảo hiền từ của cây cỏ vườn nhà mà mạ nấu làm sao tôi quên được! Nhớ lắm câu nói dỗ dành của mạ khi tắm lá thơm cho mấy anh em: “Tắm cho thiệt thơm tho mà đón giao thừa, đón tuổi mới nghe mấy đứa!”.

Sau một ngày bộn bề với bao công việc cúng cấp ngày tất niên; đêm ba mươi, mạ mới rảnh rang để ngồi gội đầu cho mình. Bên ánh lửa bập bùng của bếp lửa cuối năm, mùi bánh chưng, bánh tét đang chín quyện cùng mùi nước lá thơm trên tóc của mạ mãi mãi là mùi thơm êm dịu và thân thương nhất trong ký ức tuổi thơ và ngày tết của tôi.

Phi Tân