Du khách viếng thăm Trung tâm Văn hóa Huyền Trân vào những ngày đầu năm mới. Ảnh: K.O  

Mồng một Tết, nhận được lời chúc mừng năm mới qua email của người bạn học đang định cư ở tận trời tây. Trong lời chúc, cô còn chia sẻ tâm sự của một người ăn tết xa nhà. “... Tết, lẽ ra vui mà mình thì lại càng thấy buồn da diết. Nhớ nhà, nhớ Huế. Ước chi mọc đôi cánh để được bay ngay về mà nghe tiếng chuông chùa, dâng nén hương thơm lễ Phật trong ngày đầu năm mới...”. “Thôi “nàng” ơi, tui đi chùa bây chừ đây, sẽ dâng hương và cầu nguyện giúp cho. Ăn tết vui vẻ đi, nhá.” - Tôi mỉm cười reply rồi đóng máy. Ngoài kia, vợ con đã í ới chờ.

Danh xưng xứ Thiền kinh của Huế có lẽ không ngoa. Xứ sở nhỏ xinh hiền lành bên dòng sông Hương này có mật độ chùa chiền dày đặc. Một con số thống kê cho thấy, toàn tỉnh có đến hơn 530 ngôi chùa, viện, tịnh thất, tịnh xá, niệm Phật đường. “Mái chùa che chở hồn dân tộc...”, sự hiện diện của Phật giáo hàng trăm năm qua đã theo tháng ngày dung dưỡng, hun đúc nên tính cách hiếu hòa, nghiêm cẩn, thâm trầm của cộng đồng cư dân vùng đất này. Và cũng hàng bao thế hệ rồi, đi chùa lễ Phật ngày đầu năm đã thành một tập quán đẹp của người dân sông Hương núi Ngự.

Em đi lễ chùa. Ảnh: HK

Không biết có phải ngẫu nhiên không mà trong nhà Phật, ngày mồng Một Tết lại cũng là “ngày vía” đức Di Lặc, một vị Phật tương truyền là sẽ xuất hiện ở tương lai mà hình tướng có lẽ ai cũng biết với cái bụng thật lớn và nụ cười hết sức hoan hỷ vô ưu. Vì là trúng dịp tết nhất, nên vía Di Lặc hình như cũng được nhà chùa “thiên vị” với sự chuẩn bị hết sức chu đáo. Từ rằm tháng chạp, chốn chốn thiền môn đã sửa sang vườn tược, quét dọn chùa chiền, hương đăng kỹ lưỡng. Ảnh, tượng, bát nhang, lư, đèn, các bộ chén bát chưng nước cúng... tất cả đều được lau chùi cọ rửa đến bóng lộn. Ngày ba mươi thì bắt đầu dâng trái cây, hoa tươi... Công việc phải kết thúc trước khi trời tối để kịp đón phật tử đến “lạy sám hối” thường kỳ vào đêm ba mươi âm lịch, đây cũng là kỳ sám hối cuối cùng của năm cũ.

Đúng 12 giờ khuya, các chùa đồng loạt nổi chuông trống Bát nhã, cử hành lễ vía Di Lặc và đón Giao thừa. Không ít gia đình người Huế sắp xếp cúng Giao thừa tại nhà sớm để kịp đi chùa lễ Phật vào thời khắc thiêng liêng nhất lúc đất trời giao hòa. Xong lễ, phật tử tề tựu về nhà tăng chúc phúc sư trụ trì và tăng chúng trong chùa; ngược lại các chùa cũng hầu hết đều có chuẩn bị phong bao lì xì để mừng tuổi cho những phật tử “đạp đất” nhà chùa sớm nhất. Khoảng 4h sáng, các chùa lại tiến hành “công phu khuya”- một phiên lễ thường nhật của người tu hành. Lễ xong là lúc trời đã sáng tỏ và phật tử cùng khách thập phương cũng bắt đầu lục tục kéo về lễ Phật đầu năm. Địa bàn thành phố Huế, khu vực có nhiều chùa nhất quần tụ ở phía tây nam. Ngày mồng một Tết, tất cả các phương tiện giao thông đều đổ về đây khiến cho nhiều tuyến đường tắt nghẽn. Kẹt đường trên núi- một cảnh tượng mà có nhà báo đã gọi là “lạ đời ở nước... Huế”.

Trong khói hương tỏa quyện, trong tiếng điểm rơi thong thả của Đại hồng chung, mọi người lắng lòng nguyện cầu cho một năm mới thật nhiều an vui, sức khỏe và vạn sự hanh thông. Cảnh sắc chùa Huế, không khí cầu nguyện ở chùa Huế mang nét riêng hiếm gặp ở thời hiện đại. Tĩnh lặng, thong dong đầy thiền vị, tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn dâng lễ, bẻ cành hái lộc, nhét tiền lẻ vào các pho tượng, bát nhang... như nhiều nơi khác. Và hình như chính cái “vị” thiền ấy đã làm cho Phật giáo Huế có một vị trí rất riêng, cứ đọng mãi đọng hoài rồi biến thành nỗi nhớ đến quay quắt trong mỗi người khi phải rời xa xứ sở...

HIỀN AN