Cuộc họp các Bộ trưởng Nông nghiệp G20 được tổ chức tại thủ đô Berlin, Đức hôm 22/1. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi cam kết những phương pháp nhằm cải thiện tính bền vững của nguồn nước sử dụng trong thực phẩm và sản xuất nông nghiệp, trong khi đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng phù hợp với các cam kết thương mại đa phương của chúng tôi", các Bộ trưởng Nông nghiệp nói trong một tuyên bố sau cuộc họp ở Berlin.
Biến đổi khí hậu, dân số thế giới ngày càng tăng và nhu cầu cho công nghiệp hóa tạo nên sự căng thẳng đối với nguồn cung cấp nước trên toàn cầu, với sự tác động có thể thấy ở cả những quốc gia giàu và nghèo.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) hồi tháng 12 vừa qua đã cảnh báo rằng, 12 triệu người trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia cần viện trợ lương thực, trong bối cảnh nông dân phải đấu tranh với tác động của hạn hán lặp đi lặp lại.
Trong khi đó, Saudi Arabia quyết định kết thúc mùa vụ để tiết kiệm nguồn nước quý giá, thay vào đó là nhập khẩu thực phẩm.
"Chúng tôi sẽ bảo vệ nước và hệ sinh thái liên quan đến nước bằng cách khuyến khích thân thiện với nguồn nước, thực hành nông nghiệp bền vững và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nước và khả năng phục hồi nguồn nước. Do đó, chúng tôi cam kết phát triển và thực hiện các chiến lược tương ứng ở cấp quốc gia", tuyên bố của G20 nhấn mạnh.
Nông nghiệp toàn cầu cần nguồn cung cấp nước bền vững để phục vụ nhu cầu của dân số thế giới đang phát triển và cung cấp cơ sở cho hòa bình và ổn định thế giới, chủ nhà của cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt cho hay.
Các Bộ trưởng G20 cũng cam kết sẽ giảm dịch bệnh ở động vật, nhưng ngăn chặn việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh không cần thiết trong chăn nuôi.
Đức đã tiếp quản nhiệm kỳ Chủ tịch nhóm G20 vào cuối năm 2016, một nền tảng mà Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn sử dụng để bảo vệ hợp tác đa phương.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Globalheadlines)