Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, T khai: “Người bạn quen rủ đi trộm chó, bị cáo sợ lắm, nói không dám. Nhưng được “phân công” chỉ thuê xe máy dùng làm phương tiện và đi theo thôi, còn những việc khác không phải lo, thì bị cáo đồng ý. Không ngờ, khi đang bắt trộm (lần 2) thì bị người dân phát hiện truy đuổi. Bị cáo không chạy thoát...” Mẹ T cúi mặt, lấy tay áo chậm nước mắt. Người phụ nữ gầy gò, nhỏ thó khổ sở kể: “Khi nghe công an gọi điện về nhà nói thằng T bị tai nạn, tới đưa đi bệnh viện, tui rụng rời chân tay, đứng không vững. Cứ tưởng nó bị tai nạn giao thông, ai ngờ... Cái chân nó bị gãy, dập xương phải mổ, bắt vít. Vợ chồng tui làm nông, nhà nghèo chẳng có tài sản đáng giá, đành thế chấp sổ đỏ vay được 40 triệu chạy chữa cho nó, đâm ra đổ nợ”...

Nhiều người cám cảnh cho người mẹ tội nghiệp, nhưng không vì vậy mà họ “giảm nhiệt” bức xúc với hành vi vi phạm pháp luật của T và đồng bọn. Đối với người dân, với cộng đồng, việc trộm chó không hề vặt vãnh mà là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội. Nhiều kẻ tội phạm liều lĩnh, khi bị khổ chủ truy đuổi đã ngang nhiên chống cự, cố ý gây thương tích thậm chí dẫn đến xâm hại về tính mạng người dân. Hầu hết những người có chung cảnh ngộ, là nạn nhân bị trộm, cướp chó đều bày tỏ nguyện vọng: pháp luật phải trừng phạt nghiêm khắc loại tội phạm này.

T và “bạn” trộm không dám ngẩng mặt - bởi những ánh mắt người tham dự phiên tòa ném tới. Có lẽ, “chiếc phao” duy nhất để T bấu víu lúc này là người mẹ, nên anh ta liên tục ngoái mặt về phía mẹ. Trong ánh mắt lo lắng của T hiện rõ nỗi ân hận, chỉ vì việc làm không đúng mà trong “phút chốc” bản thân T phải ngồi tù. Cha mẹ nghèo khổ, giờ thêm nợ nần để lo chạy chữa cho “tai nạn” của anh ta, không biết bao giờ mới trả hết. Và mặc dù không làm gì nên tội, nhưng mẹ T cũng len lén, không dám nhìn bất cứ ai. Cố nén, nhưng những dòng nước mắt nặng nỗi đau đớn, lo âu, phiền muộn... cứ trào ra, khiến mặt mũi bà nhòe nhoẹt.

Phạm Thùy Chi