Cuộc hòa đàm Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ đã kết thúc hôm qua (24/01) tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Phái đoàn chính phủ Syria đã đánh giá cuộc đàm phán là thành công. Trong khi, các nước theo dõi cuộc hòa đàm lần này hy vọng nó sẽ mở đường để nối lại vòng đàm phán Geneva dự kiến vào ngày 8/2 tới.
Quang cảnh phiên họp trong khuôn khổ cuộc hòa đàm Syria ở Astana, Kazakhstan. (Ảnh: AP) |
Các bên cũng nhất trí cùng chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo đó, cơ chế 3 bên của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xuất phân biệt rõ ràng các nhóm khủng bố và những lực lượng đối lập tại Syria. Đồng thời hoan nghênh việc thực hiện Nghị quyết 2254 về Syria được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (LHQ) thông qua hồi tháng 12/2015. Ba nước bảo trợ cuộc hòa đàm cũng khẳng định ủng hộ thiện chí của các nhóm đối lập Syria khi tham gia đàm phán tại Geneva.
Đây có lẽ là lần đầu tiên các nhóm vũ trang đối lập tại Syria ngồi cùng một phòng đàm phán với đại diện chính phủ kể từ khi cuộc xung đột Syria bùng phát trong gần 6 năm qua. Cả 3 nước bảo trợ vòng hòa đàm tại Astana đều khẳng định không có giải pháp quân sự cho khủng hoảng Syria mà thay vào đó chỉ có thể là một tiến trình chính trị.
Phát biểu từ Astana, Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura cho biết LHQ hoan nghênh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vì quyết định thiết lập cơ chế giám sát ngừng bắn tại Syria.
Ông Mistura nói: “Chúng ta không thể cho phép một thỏa thuận ngừng bắn nữa bị đổ bể vì thiếu tiến trình chính trị đảm bảo cho lệnh ngừng bắn. Đây là thời điểm để cộng đồng quốc tế cùng hợp tác trên mọi cấp độ và ủng hộ một tiến trình đàm phán chính trị đầy đủ cho Syria theo đúng Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an”.
Đặc phái viên Mistura đặt hy vọng vào tiến trình chính trị cho Syria sẽ tiếp diễn tại Geneva. Theo đó, con đường hòa bình duy nhất cho Syria chính là giải pháp chính trị thông qua đàm phán dưới sự bảo trợ của LHQ.
Trong phản ứng đầu tiên khi đánh giá về cuộc hòa đàm Astana, phái đoàn Chính phủ Syria đã gọi đây là sự “thành công”. Trưởng đoàn đàm phán Syria Bashar Ja'afari cũng ủng hộ tuyên bố chung của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
“Vấn đề ở đây không phải là việc ai hài lòng và ai không hài lòng. Vấn đề là chúng ta đã có một tuyên bố cuối cùng, được sự đồng ý bởi tất cả các bên”, ông Ja'afari nói.
Trong khi đó, các lực lượng đối lập Syria cũng tuyên bố ủng hộ ngừng bắn song vẫn yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức. Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của các lực lượng đối lập Syria Mohammed Alloush cho biết ông đã trao cho Nga một đề xuất ngừng bắn và đang chờ đợi câu trả lời trong vòng một tuần tới./.
Theo VOV