Những chuyến xe cuối cùng của ngày 30 Tết tại bến xe phía Nam TP. Huế

Chiều ngày cuối năm Bính Thân, chị Nguyễn Thị Thúy (Phong Điền) tất tả với ba lô, hành lý và những giỏ quà bước xuống xe. Đây đã là lần thứ 3 chị về quê đón Tết đúng vào ngày “cộ lên nêu”. Bước chân chị dường như gấp gáp hơn mọi chuyến xe thường nhật. “Tui làm công nhân ở Đồng Nai. Ngoài những việc thật quan trọng, mỗi năm chỉ về quê đúng một lần. Ai cũng mong về nhà sớm để đoàn viên, sum họp cùng gia đình trong những ngày cuối năm nhưng với những công nhân như tui, quanh năm suốt tháng lao đầu vào công việc, thu nhập cũng không cao, kiếm chiếc vé về Tết sớm không phải dễ. Do vậy, cũng như mọi năm, năm nay đành phải khất lại vài ngày, mua vé chuyến xe muộn ngày 30”, chị Thúy phân trần.

Trong hành trình của chị Thúy rời phương Nam về quê ăn Tết, ngoài vốn liếng được tích cóp sau năm trời mưu sinh, vẫn còn những nỗi lo toan sau Tết nơi xứ người. “Tết Nguyên đán mỗi năm chỉ có một lần, nhưng ngày này phải tốn chi phí rất nhiều. Mỗi khi lên xe về quê, lòng lại nôn nao, suy tính mưu sinh những ngày sau Tết. Việc làm thế nào lo cho cái tết đủ đầy nhưng vẫn dành ít tiền trở lại phương Nam”, chị Thúy trầm tư.

Với cánh hàng rong, sinh viên xa nhà, dẫu đã 30 Tết nhưng ở các nẻo đường họ vẫn ráng mưu sinh rồi tất tả lên chuyến xe muộn của ngày cuối năm. “Nhà nghèo, ba mẹ không có nhiều tiền để trang trải chi phí học tập nên em phải đi làm thêm, vừa có tiền đóng học phí vừa để trang trải cuộc sống. Thường giáp Tết, việc làm thêm rất nhiều và lương cũng cao hơn so với ngày thường nên em ráng làm đến ngày 30, chiều muộn bắt xe về quê, mong có thêm tiền phụ giúp ba mẹ những ngày Tết”, Lê Thị Mỹ Lan (sinh viên đến từ Quảng Nam) nói.

Lòng họ nặng nỗi lo toan nhưng đoàn viên luôn là hạnh phúc vô bờ bến

Mùa Tết muộn luôn để lại nỗi lo toan cho những lao động nghèo trong và ngoài tỉnh. Với họ, muộn hay sớm, niềm vui đoàn viên cùng gia đình luôn là niềm hạnh phúc thật lớn lao, dù thời gian ngắn hơn so với những người có điều kiện. Anh Nguyễn Văn Trường (huyện Phong Điền), tài xế lái xe đông lạnh thủy sản chỉ mong một điều là sắm thêm bộ áo quần mới cho con, ở bên gia đình và có ít tiền tích lũy. “Do đặc thù công việc, cánh tài xế nói chung, và những người lao động như tui nói riêng đến cận Tết mới sum họp gia đình. Về quê, có thêm trong giỏ hành lý bộ áo quần mới cho con, gói quà cho vợ, cho mẹ là niềm vui vô bờ bến rồi. Chiều mồng 2 Tết tui phải lên xe khởi hành cho chuyến mưu sinh mới nhưng lòng vẫn ấm dù rằng chỉ gần vợ con dăm ba bữa.

Tại bến xe phía Nam TP. Huế, xe cộ ngày 30 Tết không còn tấp nập như những thường nhật. Thay vào đó, khung cảnh đìu hiu, vắng lặng, thi thoảng có những chuyến xe Đà Nẵng- Huế cập bến. Riêng với những tuyến xe đường dài, trưa 30 Tết hầu như đã cập bến.

 Ông Phạm Xuân Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho biết: “Ngày cuối năm, các tuyến xe đường dài từ các tỉnh thành trong cả nước đổ về bến xe khá ít. Muộn nhất tầm 7 giờ tối. Đa số là những xe tuyến đường ngắn. Riêng tối giao thừa năm nay, tại bến xe Huế, lúc 20 giờ chỉ còn chuyến Huế - Quy Nhơn. Dù giao thừa nhưng bến xe tại Huế vẫn hoạt động bình thường, túc trực 24/24. Chúng tôi tạo mọi điều kiện để bà con về quê ăn Tết. Đối với hành khách trễ chuyến, chúng tôi sẽ dùng mọi giải pháp để bà con không qua đêm ở bến mà vận dụng, tạo điều kiện cho họ về quê ăn Tết”. 

Lê Thọ