Theo Reuters, Massachusetts, New York và Virginia là 3 bang mới nhất tham gia vào cuộc chiến pháp lý chống lại sắc lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Donald Trump ban hành hôm 27/1. Nhà Trắng cho rằng sắc lệnh trên là cần thiết để nâng cao an ninh quốc gia của Mỹ trong bối cảnh hiện nay.
Bang Massachusetts cho rằng lệnh cấm công dân của 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đã đi ngược lại với nội dung được ghi nhận tại Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ, trong đó cấm các hành vi thiên vị tôn giáo.
“Lệnh cấm là hành vi phân biệt đối xử mọi người vì tôn giáo cũng như vì quê hương cội nguồn của họ”, Tổng chưởng lý Maura Healey của bang Massachusetts nói trong cuộc họp báo ở Boston, bang Massachusetts hôm 31/1. Cuộc họp báo có sự tham gia của các lãnh đạo đến từ nhiều ngành như công nghệ, giáo dục, y tế - những người cho rằng lệnh cấm của ông Trump có thể hạn chế việc thu hút và giữ chân những người lao động có nền tảng giáo dục tốt từ các nước khác vào Mỹ.
Ngoài Massachusetts, tổng chưởng lý của New York và Virginia cho biết các bang này cũng đang theo đuổi các tiến trình pháp lý tương tự tại các tòa án liên bang để phản đối lệnh cấm của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, nhiều công dân nước ngoài đang sống tại Mỹ cũng đệ đơn để thách thức sắc lệnh di trú của ông Trump, bao gồm một sinh viên người Libya nộp đơn ở Colorado và một công dân Iran nộp đơn ở Chicago trong 2 ngày đầu tuần này.
Trong khi đó, San Francisco trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ khởi kiện nội dung của sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký trong tuần làm việc đầu tiên của ông tại Nhà Trắng. Đây là hành động pháp lý đầu tiên của một trong những thành phố bị ông Trump tấn công vì các chính sách bảo bọc những người nhập cư không có các giấy tờ hợp lệ. Theo sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Trump, hàng tỷ ngân sách liên bang dự kiến cấp cho các thành phố, vốn được xem là địa bàn của những người nhập cư lậu như San Francisco, có thể sẽ bị dừng lại.
Cả San Francisco và Massachusetts đều cho rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump đã vi phạm Tu chính án thứ 10 của Hiến pháp Mỹ, trong đó quy định rằng những quyền hạn không thuộc về chính quyền liên bang thì nên để chính quyền tiểu bang quyết định. Đơn kiện của San Francisco do Biện lý San Francisco Dennis Herrera nộp lên toà án liên bang tại thành phố này.
Ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm công dân của 7 quốc gia với phần lớn dân số là người Hồi giáo gồm Syria, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày, đồng thời tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng. Sắc lệnh đã kéo theo làn sóng phản đối gay gắt không chỉ tại Mỹ mà ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra sự hỗn loạn đặc biệt với các hãng hàng không và cơ quan phụ trách nhập cảnh. Trong khi đó, Tổng thống Trump cho rằng đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ nước Mỹ trước làn sóng khủng bố lan rộng hiện nay. |
Theo Dantri