Đại tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: AP.

Đây là chuyến công du đầu tiên của cựu Tướng Thuỷ quân Lục chiến James Mattis kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Trump và cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một thư ký nội các trong chính quyền mới.

Với thực tế chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Mattis hướng tới châu Á - trái với dự đoán đến thăm binh sĩ ở Iraq hay Afghanistan - nhằm tái khẳng định mối quan hệ với hai đồng minh đang có gần 80.000 binh sĩ Mỹ và nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á nói chung.

Sự tái khẳng định quan hệ lần này của Mỹ có thể đóng vai trò rất quan trọng, sau khi Tổng thống Trump đặt ra vấn đề về chi phí của các liên minh này trong suốt quá trình vấn động chiến dịch tranh cử. Ông cũng gây lo ngại cho khu vực khi quyết định rút Washington ra khỏi thỏa thuận thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản đã rất nỗ lực để đạt được.

"Đây là một thông điệp trấn an", Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của chính quyền Trump cho biết.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump cũng đã có cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo của cả Nhật Bản và Hàn Quốc và sẽ đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington vào ngày 10/2 tới.

Theo lịch trình, Bộ trưởng Mattis hôm nay (1/2) sẽ rời Hoa Kỳ và dừng chân đầu tiên ở Seoul, trước khi tiếp tục hành trình tới Tokyo vào ngày 3/2.

Chuyến thăm của ông tới châu Á diễn ra giữa lo ngại về việc Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo mới, có khả năng sẽ là thử thách đầu tiên cho chính quyền Tổng thống Trump.

Trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo trước chuyến đi, Bộ trưởng Mattis tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho rằng không nên quá kỳ vọng vào một tuyên bố lớn trong chuyến đi, nhận định rằng chuyến thăm đầu tiên của Bột rưởng Mattis có khả năng sẽ "phá băng" cho cả hai nước.

Tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada, người đã nhiều lần cho biết Nhật Bản sẽ có sự chia sẻ công bằng các khoản chi phí cho lực lượng Hoa Kỳ đóng quân ở đó và nhấn mạnh rằng liên minh Mỹ-Nhật là điều tốt cho cả hai quốc gia.

Chuyến đi cũng diễn ra do lo ngại ngày càng tăng về các động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Căng thẳng với Bắc Kinh càng leo thang vào tuần trước khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ bảo vệ "lãnh thổ quốc tế" ở đó, trong khi Trung Quốc phản hồi rằng họ có chủ quyền "không thể chối cãi" đối với các đảo tranh chấp trên các tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đông.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & CNA)