Một góc chợ quê ngày giáp tết. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

1 Từ tháng Chạp, các bà, các mẹ đã ngóng trông những đứa con lập nghiệp xa quê. Khi mai vàng trước sân nhà bắt đầu nở hoa, họ lại cất công mua những hạt gạo nếp thơm nhất, đặt những cân thịt heo ưng ý nhất, muối vại hành thơm ngon để chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà trong ba ngày tết. Vất vả, tất bật, song đó là cả niềm hạnh phúc để các con xa quê trở về cảm nhận được sự chăm sóc, yêu thương của các thành viên trong gia đình.

Đi chợ ngày tết, nhiều người xa quê hương như tìm lại kỷ niệm xưa khi mùi bánh in, bánh nếp thơm phưng phức... Chợ tết ở quê có cái náo nhiệt khác nhiều so những khu chợ lớn trên thành phố. Mọi người đi bộ nên thưa vắng tiếng còi xe. Không cần phải lên phố thị, những ngôi chợ trong làng bày la liệt đủ mặt hàng. Người ta tranh thủ nốt phiên chợ cuối năm, sắm sửa những thứ cần thiết còn thiếu. Thích nhất vẫn là mua những mớ rau còn xanh mơn mởn, những con cá, tôm vẫn còn nhảy lách tách trong rổ.Và, bên bếp lửa bập bùng, bao dự định sẽ làm trong năm dài, tháng rộng, bao tính toán mai kia... cứ râm ran không dứt.

Lao động đi làm ăn xa, ngày tết không còn muốn lên phố chơi như những năm trước. Họ thích ở nhà quanh quẩn với gia đình, thăm nội ngoại hai bên. Nhiều người trải lòng, có về quê mới được sống lại những cảm xúc của những ngày đã xa. Những đứa con, cháu được gần gũi ông bà, họ hàng và làm quen với những cánh cò trắng chao nghiêng trên cánh đồng bát ngát, tha thẩn bên bụi chuối, bờ tre, những giàn bầu, giàn bí.

Rồi họ lại xa quê, đem theo hương vị ngày tết của làng quê lên phố thị. Nhưng, sau những bôn ba nơi đất khách quê người, về quê ăn tết vẫn là nhất, tâm hồn họ lại dấy lên những rung cảm khi về với cội nguồn và cảm nhận rõ những giá trị thiêng liêng chỉ ở quê mới có.

2Năm nay, đến ngày 28 âm lịch, mưa lạnh vẫn dầm dề. Nghe mấy chị em “than trời”, mẹ nhẹ nhàng: “Trời thương nông dân mình đó. Cả năm vất vả rồi, nếu trời không làm mưa làm rét, chắc ai cũng chỉ ngày mồng một thôi”. Nói rồi, mẹ lại kể cho đàn con nghe một loạt “kỷ niệm xưa”, trong đó nhiều chuyện đã nằm lòng. Kiểu như “tết đã đỏ” trên cuốn lịch nhưng vợ chồng vẫn phải vác cuốc dặm ra đồng để lúa kịp xanh theo đám bạn; hay phải đến ngày 30 mới tính được chuyện gói bánh dâng cúng tổ tiên…

 Tết quê. Xanh là màu chủ đạo. Tết về, ngõ nhà được điểm thêm sắc vàng của hoa vạn thọ là chính, nhiều nhà còn có thêm ít thược dược, hoa cúc. Sang nữa thì có thêm những cánh mai bung nở, nhưng là mai được trồng lâu năm trước sân nhà. Bù lại, ngõ xóm lối nào cũng gọn gàng, vườn nhà ai cũng được dọn dẹp sạch sẽ sau cả tháng dài ủ dột trong mưa rét. Nhiều nhà, cải đã kịp lên xanh, dưa, đậu, mướp đắng cũng đã kịp leo dàn… Thêm lời chúc tụng, thêm tiếng cười vui đầu năm, tết quê Hương Thủy của tôi cứ vậy mà càng thêm nhẹ nhàng, ấm ấp.

Mẹ kể, xưa còn nghèo nên món gì mình cũng tự chế biến từ những sản vật do người làng sản xuất được để dâng cũng tổ tiên và đãi khách ngày tết, như mứt gừng, mứt dừa, bánh bò, bánh khô... Nay, điều kiện kinh tế khá lên, nhiều thứ được bán sẵn nên nhiều món cũng ít được người làng tự làm. Vậy mà lạ, bên mâm cơm đầu năm, mấy thanh niên làng tôi câu trước chúc nhau sức khỏe, vui lành, câu sau y như rằng là sự hoài niệm về tết xưa - thời các bạn ấy còn lon ton theo mẹ sang nhà hàng xóm mượn khuôn đổ bánh bò, hay cùng cha phụ nhà hàng xóm đóng bánh khô cho mau mau để đến lượt nhà mình.

3Làng Lương Văn (Thủy Lương, Hương Thủy) hàng ngày yên lặng là thế nhưng tết đến, xuân về lại náo nhiệt đến lạ thường. Sáng mồng 1 tết, thanh niên trong làng đi làm ăn xa trở về, kéo nhau cả đoàn đi quanh xóm chúc tết, mừng tuổi, mừng thọ, chúc tụng rôm rả. Gặp nhau giữa đường, mọi người trong xóm ngoài làng đều nở nụ cười, cất câu chào năm mới, hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc năm qua. Quốc Bảo, chàng thanh niên vừa trở về từ nước bạn Lào chia sẻ: “ Năm nào, em cũng thu xếp công việc để về quê ăn tết. Những người xa quê như em đều mong được ở trong không khí đầm ấm của tết quê khi được đoàn viên với gia đình, gặp lại người thân, bạn bè”.

 Như nhiều làng quê khác, cứ mỗi dịp tết đến, quê tôi rộn vang tiếng cười với hội bài chòi diễn ra suốt mấy ngày tết. Hàng trăm người hào hứng đến chơi và xem bài chòi. Trong các chòi tre lợp lá, người chơi không chỉ là những cụ ông, cụ bà mà cả nam thanh nữ tú, trẻ nhỏ cũng say sưa với câu vè của hội bài chòi. Điều đó chứng tỏ, dù có nhiều hoạt động vui chơi giải trí hiện đại, nhưng người dân vẫn rất háo hức với trò chơi dân gian này.

4Cũng là bộ bài tới 30 cặp quân, nhưng người làng Dạ Lê (Hương Thủy)- quê tôi, lại chọn chơi bài kẻ trong dăm ba hôm vào dịp tết.

 Xưa ở tuổi lên mười, tôi háo hức chờ tết và một trong số những thú vui đó là được chơi loại bài này. Tôi có người o ở sát nhà, hơn tôi trên cả chục tuổi. O bị tật từ nhỏ, làm nghề thợ may nên chỉ loanh quanh trong nhà và đó cũng nơi tôi thường xuyên lui tới. Sắp tết, o cháu rủ nhau “chuẩn bị chơi bài hè”. Tôi nghe mà… đã đời con cóc. Thế nên, buổi sáng mồng Một loanh quanh thăm ôn mệ, chú bác xong là mấy o cháu “gầy sòng”.

 Khác với bài tới phải có đủ 6 tay mới khai hội được, chơi bài kẻ chỉ cần 4 người là đủ. Chơi bài kẻ không chia phe như bài tới. Bốn người ngồi quanh và cùng chơi. Mỗi hội có 4 ván. Ai không tới ván nào cả xem như “đứt chân”, nghĩa là thua. Cũng là một phiên bản của bài chòi nên chơi bài kẻ cũng có lúc ai đó hứng lên đọc mấy câu vè.

 Bài tới chia bộ bài thành hai, mỗi quân bài trong đó cũng chia hai. Chơi bài kẻ khác hơn, áp dụng kiểu bốc bài, mỗi người 15 quân. Vậy nên có nhiều quân bài trùng nhau, kiểu như hai con trò, hai con ầm… ai may mắn thì trùng nhiều, có khi gần hết chỉ còn vài ba quân bài, đánh được một nước là có thể ngồi chờ… ăn. Tôi thuộc loại hay tái mặt, không có chuyện gì giấu được, vậy nên gặp phải tình huống này là đánh ngay, rồi cứ vênh cái mặt lên ngồi chực… tới. Ngờ đâu, có khi chờ mãi, đợi hoài không thấy ai hô con bài chực sẵn của mình, lại có kẻ vừa chực đã nghe hô tới, thiệt là tức đến lộn ruột...

Tết này về quê lại ghé thăm o. Mồng một Tết, mới ngoài ngõ đã nghe trong nhà rộn vang tiếng cười vui. Thì ra lại là hội bài kẻ. Cũng như hơn 40 năm trước, o tôi nay đã tuổi ngoài 65 vẫn giữ lại truyền thống chơi bài kẻ như xưa. Và cũng như xưa, bạn chơi của o vẫn là mấy cô cậu nhóc, toàn là cháu chắt của tôi cả. Nhìn cả hội bài kẻ vui vẻ và trẻ trung, bất chợt tôi như thấy hình bóng mình trong đó, cả cái góc nhỏ xưa mình hay ngồi thu lu nữa. Dễ chừng cũng đã ngót nghét nửa thế kỷ rồi chứ đâu ít.

Không thật phổ biến như bài tới hay mở hội tưng bừng như bài chòi nhưng với ai đó như tôi đã có nhiều cái tết tuổi thơ chơi bài kẻ thì không sao quên được. Nó là tuổi thơ, là gia đình, là xóm nhỏ quê hương biết mấy thân thương.

Nhóm PV