Nhóm nghiên cứu Khoa Cơ khí - Công nghệ khảo sát bơ tại các địa phương

“Phá thế” được mùa - mất giá

Văn phòng Khoa Cơ khí – Công nghệ ngày càng “chật chội” khi trưng bày các sản phẩm, poster giới thiệu kết quả nghiên cứu hướng chế biến, bảo quản nông sản của chính các giảng viên và sinh viên. Mỗi sản phẩm thành công, họ góp phần giúp nông dân thoát khỏi điệp khúc được mùa - mất giá.

Vốn canh tác theo kiểu truyền thống, trước đây mỗi loại nông sản làm ra nông dân phải gấp rút thu hoạch để kịp mùa vụ. Đa phần trái cây, rau - củ - quả thường có thời gian bảo quản ngắn nên nếu thương lái chưa mua kịp, nông sản sẽ hư hỏng. Những năm được mùa, nguy cơ mất giá trở thành nỗi lo thường trực, bởi vậy người nông dân ví những cái "trông" của người đi cấy (trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa,…) như vận mệnh chung của họ. Hóa chất bảo vệ thực vật ra đời giúp kéo dài thời gian bảo quản, nhưng sự lạm dụng khiến người tiêu dùng quay lưng. Trong khi đó, theo nhiều kết quả nghiên cứu, để tăng năng suất mùa vụ rất khó khăn và tốn kém, người nông dân phải tăng chi phí để mua giống tốt, phân thuốc, vô hình chung tổn thất sau thu hoạch lên tới 10-20%.

Thu hoạch bơ về nghiên cứu

Sau nhiều trăn trở, thầy trò Khoa Cơ khí – Công nghệ mà trực tiếp là hai bộ môn Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch bắt tay triển khai nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào quá trình bảo quản, chế biến sau thu hoạch các nông sản với nhiều loại như bơ, măng, chuối, thanh long,… tạo ra thực phẩm sạch, an toàn và nâng cao chất lượng nông sản, thời gian bảo quản tăng lên gấp nhiều lần.

Ban đầu họ đi thực nghiệm các mô hình nông sản tại nhiều địa phương, sau đó đem sản phẩm về nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường qua nhiều công đoạn. Đơn cử như bơ, loại quả chín nhanh trong 5-7 ngày, người dân có nguy cơ bị ép giá khi đến mùa vụ, các giảng viên, sinh viên của khoa mất 6 năm để nghiên cứu, trong đó yếu tố đầu tiên là xác định độ chín thu hoạch, những biến đổi sinh lý, sinh hóa trong quá trình chín, các hình thức bảo quản an toàn. Sau nhiều nỗ lực, họ ứng dụng công nghệ điều tiết enzim nội bào. Công nghệ này có ưu điểm đầu tư chi phí thấp, có thể triển khai mô hình lớn và kéo dài thời gian bảo quản bơ lên đến 25 - 30 ngày nhưng an toàn tuyệt đối. Hay như các dự án nghiên cứu các sản phẩm từ măng (măng khô bao gói chân không, măng dầm dấm, măng dầm dấm ớt, măng chua) – sản phẩm được các công ty, doanh nghiệp và người tiêu dùng đón nhận. Trước đây, thông tin măng nhuộm hóa chất tẩy trắng hay biến đổi màu vàng gây ung thư khiến người tiêu dùng băn khoăn. Thầy, cô và sinh viên Khoa Cơ khí - Công nghệ cũng bắt tay vào nghiên cứu phối chế các nguyên liệu để tác động quá trình lên men tạo ra sản phẩm cho sắc màu hấp dẫn, giòn ngon và kéo dài thời gian bảo quản lên đến 10-12 tháng.

TS. Nguyễn Văn Toản, Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ, đồng thời cũng là người chủ trì nhiều đề tài, dự án chia sẻ, tính ứng dụng của các sản phẩm được doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ đánh giá cao, đáng mừng nhất là cải thiện được chất lượng nông sản theo hình thức an toàn. Ngoài bảo quản nông sản tươi, khoa còn nghiên cứu các công nghệ chế biến để tạo ra các sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm như: tinh bột nghệ, trà gai leo, bánh chùm ngây, sữa gạo lứt… từ nông sản giúp thành quả sau thu hoạch của người nông dân không bị tồn kho hoặc rơi vào điệp khúc được mùa - mất giá.

Hiệu quả lớn

Những kết quả nghiên cứu của thầy trò Khoa Cơ khí - Công nghệ không chỉ cải thiện chất lượng nông sản, mà còn đem lại nguồn lợi cho nhiều đối tượng. Với người nông dân, nỗi lo nông sản hư thối do không bán kịp đã được khắc phục và việc giải quyết đầu ra sản phẩm là chuyện mà họ có thể tính toán được. Đây là điều kiện tốt để lao động bình dân có thể chuyển đổi nghề, thoát khỏi tình trạng thất nghiệp. “Trước đây bà con dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trồng măng chỉ bán được khoảng 800 - 1.500 đồng/kg. Từ khi công ty chúng tôi tiếp nhận công nghệ chế biến măng từ TS.Nguyễn Văn Toản, Khoa Cơ khí - Công nghệ, hằng năm mua khoảng 100 tấn măng nguyên liệu giá dao động từ 2.500 – 5.500 đồng, giúp bà con nơi đây giải quyết đầu ra cho măng. Về phía công ty cũng tạo thu nhập cho hàng chục lao động có việc làm”, anh Hoàng Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng (Quảng Trị) nói.

Bên cạnh lợi ích quá rõ ràng từ phía các doanh nghiệp sau khi được chuyển giao và triển khai công nghệ thì dấu ấn lớn nhất mà Khoa Cơ khí - Công nghệ làm được là cải thiện vấn đề thực hành và nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Võ Thị Ngọc Chung, sinh viên K46 ngành Công nghệ thực phẩm cho rằng, chính những ngày ngồi trong phòng thí nghiệm đã định hình cho em chính xác công việc và ý thức trách nhiệm của một kỹ sư tương lai, nhất là thay đổi cách quản lý thời gian, tập nghiên cứu và dịch các tài liệu nước ngoài, đi khảo sát thực tế và nghiên cứu ở phòng thí nghiệm.

Bài, ảnh: MINH TÂM