Sản xuất hàng dệt may tại KCN Phú Đa

Bội thu

Năm 2016, nhà máy sản xuất gạch ốp lát công suất 12 triệu m2/năm của Công ty TNHH Vitto Phú Lộc triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư 560 tỷ đồng, hiện đã đưa vào chạy thử và chính thức sản xuất vào tháng 2/2017. Đây là một trong những DA quy mô lớn triển khai tại KCN La Sơn, nâng tổng số DA đầu tư tại KCN này lên gần 10 DA. “Việc cấp phép đầu tư và hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng ở KCN La Sơn khá thuận lợi nên DN triển khai DA nhanh và kịp tiến độ. Sắp tới, chúng tôi dự định đầu tư thêm một số DA mới sau khi KCN hoàn chỉnh hạ tầng và hệ thống giao thông dẫn vào KCN”, Giám đốc Lê Đình Quý Sơn chia sẻ.

Bến số 3, Cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế với vốn đầu tư 846 tỷ đồng, là một trong những DA quy mô lớn đang khẩn trương thi công tại KKT Chân Mây- Lăng Cô. Đến thời điểm này, DN đã triển khai san lấp mặt bằng, ép cọc, xây dựng kè biển với tổng vốn đầu tư đạt 35 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng thêm bến số 3 sẽ giải quyết nhu cầu lưu thông hàng hóa và hành khách qua Cảng Chân Mây, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và đẩy nhanh sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hào Hưng-ông Thang Văn Hóa cho biết: “Sau khi đưa bến số 3 vào hoạt động và hoàn thành DA mở rộng nhà máy sản xuất dăm gỗ ở KCN La Sơn, DN sẽ khảo sát để tiếp tục đầu tư tại các KKT, CN Thừa Thiên Huế. Ngoài các thủ tục triển khai nhanh và thuận lợi, DN luôn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tốt từ phía các ban ngành của tỉnh nên hoạt động đầu tư diễn ra khá suôn sẻ và kịp thời”.

 Trong số 14 DA được cấp phép trong năm 2016, có khá nhiều DA quy mô lớn và triển vọng, tạo bứt phá và thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Đó là DA đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái đầm Lập An của Tập đoàn Bitexco với tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng, DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô của Công ty TNHH Tập đoàn Lu’s World Shine, trên 7.700 tỷ đồng; và DA May túi xách, phụ kiện, may mặc của Công ty Hanex (Hàn Quốc) có tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng. Trong năm 2016, nhiều DA sản xuất hàng dệt may, công nghiệp phụ trợ, điện tử cũng được cấp phép và triển khai xây dựng tại các KCN Phú Bài, Phong Điền, Phú Đa, góp phần lấp đầy chỗ trống và tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tiềm lực đến Huế.

Thu hút 20 dự án mới

Xác định KKT Chân Mây - Lăng Cô và các KCN trên địa bàn tỉnh là địa bàn trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban quản lý (BQL) KKT, CN đã đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Ban đã chuyển công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) gián tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo sang kênh XTĐT trực tiếp, xúc tiến nhà đầu tư cụ thể, DA cụ thể. Năm 2016, BQL chủ động liên hệ làm việc trực tiếp với các đối tác lớn như Công ty Tôn Đông Á, Công ty Hyosung Việt Nam để kêu gọi đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô và thu được những kết quả khả quan.

 Để xứng tầm là một trong những KKT, CN trọng điểm của khu vực miền Trung, BQL đang đề ra chiến lược đẩy mạnh phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô theo hướng nhanh và bền vững, xây dựng hoàn thiện hạ tầng cơ sở gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, tạo tiền đề xây dựng đề án thành lập Đô thị Chân Mây - Lăng Cô theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các KCN, hình thành hệ thống các KCN gắn với phát triển các đô thị, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của tỉnh, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tại các KCN mới như Quảng Vinh, Phú Đa và La Sơn.

Phó Trưởng BQL KKT, CN tỉnh - ông Nguyễn Quê cho biết: “Để đạt mục tiêu năm 2017 thu hút 20 DA đầu tư vào các KKT, CN, ban đang xây dựng kế hoạch XTĐT theo hướng trọng tâm, trọng điểm; trong đó chú trọng xúc tiến với các tập đoàn, nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực và tiềm lực về tài chính. Tiếp tục làm việc với các Tập đoàn FLC, Vingroup, Bitexco, Viglacera; hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài như Jica, Koica, Jetro để tiến hành quảng bá, tăng cường XTĐT tại chỗ.”

 Để thực hiện mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư đạt 6.000 tỷ đồng và nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 45% trong năm 2017, hiện BQL KKT, CN tỉnh đang tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA, chú trọng đến công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư của các DA quy mô lớn như Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, DA Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, Bến số 3 - Cảng Chân Mây, hạ tầng KCN của Tổng công ty Viglacera, DA Khu du lịch sinh thái đầm Lập An của Tập đoàn Bitexco và hạ tầng KCN- Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây.

Đến nay, các KKT, CN tỉnh đã thu hút 140 DA đầu tư với tổng số vốn đăng ký chiếm trên 63.700 tỷ đồng. Trong đó có 36 DA của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt gần 31.200 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thanh Hương