Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ phải sang) gặp gỡ lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Võ Nhân

GDP tăng trưởng tốt

Một trong những điểm nhấn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 trên địa bàn tỉnh là GDP tăng hơn 7%, thu ngân sách lần đầu tiên chạm ngưỡng trên 6.000 tỷ đồng, vượt gần 20% chỉ tiêu giao, thu nhập bình quân trên đầu người tăng, bằng bình quân chung của các tỉnh có mức tăng trưởng tốt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp chỉ chiếm 10%, còn lại là công nghiệp và du lịch dịch vụ. Trong đó, ngành du lịch chiếm tỷ trọng 15% trong cơ cấu kinh tế, chỉ sau Đà Nẵng, hơn Quảng Nam. Công tác chăm lo cho người nghèo đón Tết được chú trọng…Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của các ban ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong điều kiện năm 2016, Thừa Thiên Huế cũng như nhiều tỉnh miền Trung phải hứng chịu nhiều thiên tai, lũ lụt và sự cố môi trường biển ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người dân, nhất là người dân các xã ven biển.

Để kinh tế - xã hội tỉnh ngày càng có bước phát triển tốt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, dù cơ cấu nông nghiệp hiện chỉ chiếm 10%, song tỷ lệ lao động ở khu vực miền núi, nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế hiện còn khá cao. Do đó, cần hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để tăng hiệu quả.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đối với việc phát triển ngành du lịch dịch vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, do đó, Thừa Thiên Huế cần có những giải pháp quyết liệt hơn để đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn. Xây dựng ngành du lịch phát triển hơn, có thương hiệu hơn. Phấn đấu đưa GDP ngành du lịch tăng thêm 5%, đạt 20% trong năm 2017, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế, là vùng kinh tế trọng điểm, là điểm đến của quốc gia. Thừa Thiên Huế cần làm tốt công tác liên kết, kết nối không gian, tuor tuyến, nối liền các vùng kinh tế miền Trung và cả nước, nhất  là khu vực Huế - Đà Nẵng - Hội An.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý, Thừa Thiên Huế phải tìm cách để phối hợp, kết nối ba vùng du lịch Huế - Đà Nẵng - Hội An . Khách đã đến Huế thì không thể không đến Đà Nẵng - Hội An và ngược lại khách đến Hội An- Đà Nẵng thì không thể không đến Huế.

Vấn đề quan trọng khác cũng được Thủ tướng Chính phủ đề cập là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ tỉnh, huyện đến xã, thôn và tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần  nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Chính phủ điện tử từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở để tạo sự đồng bộ, thông suốt, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục thuận lợi, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp.

Các vấn đề khác như tổ chức các kỳ festival hiệu quả hơn, lãnh đạo thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội… cũng được Thủ tướng Chính phủ đề cập, kỳ vọng và tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ đạt được trong thời gian tới. Theo Thủ tướng Chính phủ, nếu tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đều tăng lên từ 3-5%, Thừa Thiên Huế sẽ là tỉnh phát triển toàn diện và là “con gà gáy sớm trong năm Đinh Dậu để cùng với các tỉnh miền Trung cùng thức dậy, cùng phát triển”.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2017, đặc biệt là chỉ tiêu về du lịch, dịch vụ, nông nghiệp sạch. Tỉnh mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương để Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.

Tâm Huệ