Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano thăm hỏi một bệnh nhân tại cơ sở chẩn đoán và điều trị ung thư ở Tanzania. Ảnh: IAEA 

Chỉ dẫn mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được phát hành nhân Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2, với nỗ lực tuyên truyền về các triệu chứng ung thư khác nhau để người dân thế giới được điều trị an toàn và hiệu quả.

"Chẩn đoán ung thư ở giai đoạn cuối và không có khả năng điều trị khiến nhiều người đau khổ một cách đáng tiếc và tử vong sớm. Bằng cách thực hiện các bước theo chỉ dẫn mới của WHO, ngành y tế có thể cải thiện việc chẩn đoán sớm ung thư và đảm bảo điều trị kịp thời, nhất là ung thư vú, cổ tử cung và đại trực tràng", Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc Cục quản lý các bệnh không lây nhiễm, người khuyết tật, bạo lực và phòng chống tai nạn thương tích của WHO cho biết.

Theo số liệu của WHO, 8,8 triệu người chết mỗi năm vì bệnh ung thư, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Con số này cao hơn 2,5 lần so với tổng số trường hợp tử vong vì HIV / AIDS, lao và sốt rét.

Ước tính đến năm 2030, hơn 2/3 tổng số trường hợp tử vong liên quan đến ung thư sẽ xuất hiện ở các nước đang phát triển.

Phát hiện sớm ung thư cũng có thể cắt giảm chi phí điều trị. Trong năm 2010, tổng chi phí điều trị ung thư và năng suất lao động sụt giảm lên đến 1,16 nghìn tỷ USD.

Cũng theo WHO, nghiên cứu ở các nước có thu nhập cao chỉ ra rằng, việc điều trị cho các bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm ít tốn kém hơn 2-4 lần so với những người được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)