Nhưng không vì vậy mà câu chuyện đến-ở-chơi với Đà Lạt kém phần thi vị. Những ngày đầu xuân, nếu có cơ hội hãy tìm về Đà Lạt cảm nhận được những thanh âm của không và thời gian, cảm nhận được sự cổ kính pha lẫn dưới tán thông… Trong hành trình đó, đừng quên mang theo “Đà Lạt, một thời hương xa” – một tác phẩm thú vị, chỉ dẫn hoặc thậm chí là cảm hứng cho ta yêu thêm vùng đất này.
Đà Lạt luôn đẹp, vẻ đẹp yêu kiều mang dáng vẻ Âu châu. Đà Lạt như một bức tranh, giản dị nhưng chất chứa vô vàn nỗi niềm để rồi đi vào đời sống nghệ thuật gắn liền với những tên tuổi lừng danh. Nhắc đến Đà Lạt, người ta sẽ nhớ ngay đô thị nghỉ dưỡng giữa vùng cao nguyên với hơn 1.300 ngôi biệt thự mang đậm kiến trúc châu Âu nằm dưới những tán thông vi vút. Ở xứ sở này, còn vô số điều kỳ thú từ ngày thành lập sơ khai ít ai biết dẫu đã từng đặt chân len lỏi từng ngóc ngách nơi này.
Tác phẩm “Đà Lạt, một thời hương xa”
Vậy mà, khi đọc tập sách du khảo văn hóa Đà Lạt giai đoạn 1954-1975 “Đà Lạt, một thời hương xa” do nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) vừa cho ra mắt, một phần “lớp bụi thời gian” đã được hé lộ khiến những ai yêu Đà Lạt không khỏi bất ngờ. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên – từng có những năm tháng trai trẻ, mang trong mình tình yêu Đà Lạt sâu đậm đã kể vô vàn câu chuyện hấp dẫn, mới lạ sau nhiều năm cất công đi đi về về giữa chốn Sài Thành với thành phố ngàn thông để sưu tầm tư liệu và thực địa.
Bỏ qua thời kỳ thành lập sơ khai với tham vọng của người Pháp, ở tập sách này người đọc sẽ gặp được con đường mang tên Rue des Roses (Hoa Hồng) nơi có căn biệt thự mà nhóm bạn thành danh một thời như Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung… cùng nhau ở trọ rồi để lại đây không ít tác phẩm thơ ca, nhạc họa mang đậm chất phong trần, lãng tử còn vang danh cho đến bây giờ. Cũng ở giai đoạn này, câu chuyện của nhà văn Nhất Linh với những năm tháng ẩn mình với thú đam mê sưu tầm lan, tìm sự khuây khỏa tạm thời cũng được tác giả ghi lại chân thật nhưng không kém phần u buồn.
Hồn xưa Đà Lạt không thể không nhắc đến văn hóa uống cà phê. Và nhắc đến cà phê Đà Lạt thì không thể không nhắc đến cà phê Tùng – thương hiệu hơn 60 năm với biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử, đến giờ vẫn là điểm đến thú vị của cư dân Đà Lạt và lữ khách phương xa. Cà phê Tùng qua lời kể của Nguyễn Vĩnh Nguyên như nhắc nhở hành trình di cư: “…Gắn với một phần lịch sử di cư của người Việt lên cao nguyên Lang Bian lập nghiệp; đó cũng chính là mảnh vi phân lịch sử về đời sống người phương Bắc nhập cư Đà Lạt giai đoạn sớm nhất”. Cà phê Tùng còn là minh chứng kể về câu chuyện tình của Lê Uyên và Phương khi màn đêm phủ xuống với ước nguyện “có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau”.
Cũng chính nơi đây Nguyễn Thị Lệ Mai (danh ca Khánh Ly) với mảnh đời đa đoan từng ngồi ngắm từng giọt cà phê rơi và nghĩ về một tương lai vô định. Rồi những Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Từ Công Phụng… đã trầm mình vô vọng trước khi cất lên những lời thơ, tiếng nhạc lồng lộng buồn. Đọc đến đoạn này, con người ta dễ bị cuốn hút đến tột cùng, có lẽ, Tùng vẫn y vậy dẫu có phần thay đổi do thiên thời lịch sử, nhưng cũng là chốn đi về với những ai yêu Đà Lạt mỗi khi đặt chân lên đây.
Tùng vẫn ở đó, vẫn những bộ bàn ghế đơn sơ, vẫn cặp loa hàng PX có âm thanh ấm mỗi khi giai điệu xưa từ chiếc máy đĩa than được phát ra… Tùng còn là nơi hội ngộ của giới văn nghệ, tri thức; gặp lại những nhân vật lớn của văn hóa miền Nam như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Khắc Dương, Đỗ Long Vân, Nguyễn Văn Trung hay Trần Thái Đỉnh…
Những con đường nên thơ với nhành hoa mai anh đào tô điểm cho phố núi
Đà Lạt còn là “thiên đường của những kho sách” đồ sộ quý hiếm. Ở đó, có những kho sách chuyên môn và thường thức khổng lồ - một nguồn tài nguyên nhân văn để cư dân tiếp cận thụ hưởng tri thức lý tưởng nhất. Thật là may mắn với những ai được tiếp cận Đà Lạt ở giai đoạn này với những kho sách thần học, triết học, văn chương, toán học, khoa học, nghệ thuật, sử địa… Như lời mà Nguyễn Vĩnh Nguyên viết: “với những người đến Đà Lạt để học hành, nghiên cứu thì có dịp trải nghiệm một Đà Lạt tuy nhỏ, nhưng thấp thoáng bóng dáng thành phố quốc tế trong giáo dục”.
Không thể bỏ qua một giai đoạn huy hoàng, khi Đà Lạt là chốn “một chân, tới Sài Gòn”. Bởi nhắc đến thành công của những nghệ sĩ vang danh như Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc, Khánh Ly… ở “Hòn ngọc Viễn Đông”, người đời luôn nhớ về một thời trai trẻ của họ, với những sáng tác, biểu diễn ở miền đất mộng.
Còn nhiều hình ảnh khác, sẽ khá thân thuộc với những ai từng một lần đến với thành phố hoa anh đào lần lượt xuất hiện qua từng câu chữ, gắn liền với từng câu chuyện cụ thể. Tất cả chưa dừng lại đó, như lời tác giả rằng, còn nhiều người, sự việc còn chìm trong sương mù lịch sử, cần hành trình và thời gian sâu hơn về dĩ vãng. Nhưng hơn hết, tác giả cũng thừa nhận, hành trình du hành này có thể xem như là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, dĩ nhiên không ít nhọc nhằn, nhưng hơn hết điều đó có ý nghĩa trả món nợ hiểu biết với thành phố mà mình từng gắn bó suốt năm năm thời đẹp nhất của tuổi trẻ.
“Đà Lạt, một thời hương xa” do NXB Trẻ ấn hành, dày 398 trang cùng hơn 200 hình ảnh tư liệu xưa và nay. Sách được chia thành 3 phần gồm: Du hành thời gian; Không gian đã mất; Phụ lục. Cuốn sách đưa người đọc trở về Đà Lạt giai đoạn 1954 - 1975 với những câu chuyện thú vị của một đô thị kiểu Pháp, gắn với tên tuổi các nghệ sĩ vang bóng một thời. |
Bài, ảnh: Nhật Minh