Khách nước ngoài tham quan di tích . Ảnh Đức Quang

Tìm phút tĩnh tâm

Mùa đông xứ Huế lạnh và mưa không ngớt. Du khách đến Huế những ngày này làm gì cũng khó. Nhiều người bảo “oải quá”, biết thế không đến Huế nữa. Huế không thanh minh. Xưa nay, mùa đông của Huế vẫn thế.

Dù vậy, những người yêu Huế, họ đến độ vào đông và không muốn chia tay Huế. Họ lấy mùa đông để tìm kiếm những phút giây thanh thản sau những năm tháng bôn ba. Mùa đông này, Cát Tường Quân, địa điểm thiền nổi tiếng ở Huế luôn trong tình trạng “full” phòng. Du khách đến đây để hòa vào tiếng mưa rơi không ngừng nghỉ bên ngoài khung cửa sổ. Ông Trần Công Thái (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Thời gian ở Huế là những giây phút tuyệt vời. Ngồi trong phòng được thiết kế theo kiểu nhà rường truyền thống, không gian lung linh huyền ảo của nến và thoang thoảng hương trầm, tôi đã trải qua những giây phút thực sự chậm”.

Thử hỏi, có nơi nào như Huế, khi lúc nào cũng được đi dưới những con đường rợp bóng mát. Hay đứng trước sông Hương vào buổi hoàng hôn. Với một người bình thường, bất chợt cũng thành thi sĩ. Ngay cả một người Huế như tôi, mỗi khi thấy mệt mỏi cũng tìm ra quán cà phê quen thuộc bên dòng Hương. Ngồi một mình và ngắm sông như ngắm “người tình” trăm năm. Bao nhiêu mệt nhọc được dòng sông gột rửa. Một buổi trưa gần đây, tình cờ gặp một tài xế đang sinh sống ở tỉnh bạn ngồi cạnh bàn, anh bảo, mỗi lần đưa khách ra Huế, chờ trở về là anh ra bờ sông Hương để ngồi, tự thưởng cho mình những giây phút bình yên.

Di sản là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến Huế

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Footsteps Travels, chi nhánh Huế tâm sự, vừa qua, ông có tham gia một lớp tập huấn “con đường” làm du lịch. Chuyên gia đầu ngành đến từ Nhật Bản phân tích, khi đời sống phát triển, guồng quay của công việc quá nhanh, nhiều người có xu hướng sống theo bề nổi. Không cho mình được nghỉ ngơi. Qua thời gian, họ hiểu ra rằng, làm việc nhiều quá, kiếm thật nhiều tiền cuối cùng cũng không được gì. Tích lũy cho con cái quá nhiều, làm cho con cái lười lao động, dẫn đến tiêu cực, như vậy chẳng khác gì làm hại con. Đó là những tâm lý chung mà người làm du lịch phải đón đầu. Khi quá mệt mỏi, nhiều người muốn sống “chậm lại”, tìm những giây phút bình yên.

Cũng theo ông Chương, khách đến Huế bảo, vì sao không thấy Huế thay đổi. Mười năm rồi, quay lại, con đường Huế vẫn thế. Ông Chương nói với khách rằng, đừng bắt “chúng tôi” phải thay đổi như những thành phố có thật nhiều ngôi nhà chọc trời, những con đường rộng lớn, nhưng thiếu đi sức sống của những hàng cây rợp bóng thẳng tắp. Mỗi nơi có một lợi thế riêng, dựa trên cảnh quan,  con người và những giá trị truyền thống. Thử hỏi du khách, Đại Nội Huế liệu “bưng” đi nơi khác để thay thế vào đó là những ngôi nhà gương kính cao sang. Với Huế, văn hóa, di sản chính là trọng tâm của sự phát triển.

Văn hóa & thiên nhiên

Vì sao Huế vẫn còn đó những con đường được ví như “phượng bay”. Mỗi khi du khách ngang qua không thể không ngợi khen sao đường phố ở Huế đẹp thế. Đó là những giá trị mà Huế tự hào đang gìn giữ được. Nói thế, không có nghĩa Huế sẽ không phát triển đô thị. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch khẳng định, Huế sẽ thay đổi, nhưng sẽ không bao giờ làm mất đi giá trị văn hóa và cảnh quan, hệ sinh thái. Đây là hai yếu tố quyết định và động lực để Huế tạo ra con đường phát triển riêng. Ngoài những sản phẩm lâu nay đang được khai thác, ngành du lịch Huế sẽ triển khai nhiều sản phẩm mới gắn với giá trị văn hóa. Những sản phẩm mang tính chiều sâu, như du lịch tâm linh gắn với thiền, yoga, tăng cường chất lượng các dịch vụ, làm sạch môi trường du lịch. Du khách khi đến Huế là sống với Huế, được nghỉ ngơi chứ không đơn thuần chỉ tham quan Huế.

Nhà thơ Võ Quê chia sẻ, nhiều người bạn của ông hỏi nên đến Huế khi nào? Huế đẹp nhất là vào tháng 4-5. Dạo bước trên các con phố, các bạn thấy cuộc sống đẹp đến nhường nào. Đến Huế là để cảm nhận, hòa lẫn giữa văn hóa và thiên nhiên. Những con người yêu cái đẹp, sự lãng mạng sẽ không bao giờ xa được Huế.

Ông Lê Xuân Phương, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch Huế đang triển khai một “chiến dịch” làm xanh thành phố. Với sự chung tay của nhiều cấp, ngành và người dân. Bằng cách mỗi một cá nhân là một nhân tố làm sạch môi trường, tại cơ quan, nhà riêng và đường phố. Cây xanh sẽ được trồng thêm. Mỗi cơ quan, mỗi gia đình đều cùng trồng cây ở những vị trí thích hợp. Với sự chung tay ấy, Huế sẽ có nhiều cây xanh hơn, trong lành hơn, càng bình yên hơn.

Bảo rằng Huế xuất phát trước nhưng lại về sau. Nhưng đứng ở góc độ của 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa thì chắc chắn sẽ khác. Huế chọn cách khởi động chậm để “vượt chướng ngại vật” tốt hơn. Nói thế, Huế vẫn tự nhận thấy khuyết điểm để khắc phục. Cả hệ thống từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân đã hướng đến một mục tiêu chung của tương lai là: sự phát triển của du lịch Huế.

             Bài, ảnh: Đức Quang