Dòng sông Phổ Lợi ngày nay

Về lịch sử đào sông Phổ Lợi, Mộc bản sách Đại Nam thực lục, quyển 154, mặt khắc 2 có chép rằng, năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho tỉnh Thừa Thiên đào sông Phổ Lợi: “Đào sông Phổ Lợi. Vua dụ Nội các: Từ bến sông Hương do sông lớn và sông nhỏ, đều có thể đến cửa biển Thuận An. Nhưng sông cái quanh co, đường xa, không bằng con đường từ La Ỷ đến Võng Đàm, sông nhỏ đường tắt thẳng gần, chỉ nỗi nông cạn, lúc nước xuống lại không đi thuyền được... Sai Kinh doãn Hồ Hựu đến khám tận nơi. Cứ như lời Hồ Hựu tâu chỉ khơi vét một vài chỗ nông cạn cho sâu và rộng, thì có thể đi thuyền suốt được. Vậy sai thuê 1.500 dân phu, sâu hơn 3 thước, rộng trên dưới 5 trượng, gọi là sông Phổ Lợi”.

Các đại thần võ ban là Nguyễn Văn Xuân, Phạm Văn Điển, Nguyễn Tăng Minh và Tôn Thất Bằng được giao trọng trách đôn đốc công việc đào sông Phổ Lợi. Nhận thấy đây là công việc nặng nhọc, vua Minh Mạng đã cho phái thêm 1.200 biền binh góp sức để khai đào.

Vua Minh Mạng cho khắc hình tượng sông Phổ Lợi vào Cửu đỉnh. Ảnh: Internet 

Trong quá trình làm việc, để động viên khích lệ tinh thần cho dân công, Thế tổ Nhân hoàng đế ban dụ: “Người nào làm việc thì hậu cấp cho mỗi người mỗi tháng 3 phương gạo. Còn gặp trời vào hè nóng bức, thì phái Y sinh đến chỗ làm, xem có ai nhiễm bệnh thì điều trị. Lại dụ sai Kinh doãn chuyển sức các người đốc biện: làm lụng phải có thì giờ, không nên đốc thúc quá hạn độ. Phàm những ruộng đất bị đào vào, hoặc cây cối, hoa lợi bị chặt đi, thì đều xét thực, đền trả đúng giá”.

Có thể vì chính sách ưu đãi cộng với tác dụng trông thấy của dòng sông Phổ Lợi đó là tiện cho việc giao thông, buôn bán, tưới tắm ruộng vườn; những làng sở tại được lợi trước tiên nên tình nguyện xin đem hết già trẻ đến đào cho nhanh hoàn thành. Vua Minh Mạng đã không đồng ý. Vua nói rằng: “Đào con sông ấy, cốt để tiện lợi cho dân. Lời xin tình nguyện đi đào đó tuy là tự ý của dân, nhưng mà bắt cả già trẻ đi làm, thì ngày sau người ta sẽ bảo ta ra sao?”. Do đó không cho. Vua Minh Mạng tiếp tục sai Kinh doãn thuê 1.000 người dân đến đào sông. Vua đích thân đến xem, chỉ đạo công việc và thưởng chung cho 200 quan tiền. Người dân sở tại có người cấy lúa ở chỗ cắm nêu và ở bờ sông, đặc cách ra lệnh phạt trượng quở trách, rồi tính mẫu cấp trả 20 hộc thóc”.

Đến năm 1836, công việc đào sông Phổ Lợi được hoàn thành, nước ngọt chảy mạnh, dân được tiện nhờ. Vua sai thưởng thêm cấp, kỷ lục và tiền có thứ bậc khác nhau cho đốc biện Hồ Hựu và những người hội biện, tuỳ biện. Vua Minh Mạng còn sắc cho Kinh doãn truyền bảo dân trong hạt; tuỳ theo hình thế hai bên bờ sông mà dẫn nước vào ruộng, lại làm thêm ngòi lạch, mương máng, đến kỳ nước mặn dâng lên thì đóng lấp lại để lợi cho nghề nông.

Việc đào sông Phổ Lợi được xem là thành tựu nổi bật trong công tác trị thủy của tỉnh Thừa Thiên dưới triều vua Minh Mạng. Bản thân vua Minh Mạng cũng tỏ ra tự hào về thành tựu này khi vào năm 1837, đã ra lệnh cho khắc hình tượng sông Phổ Lợi vào trong Nhân đỉnh cùng với các hình tượng khác, như: Mặt Trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, chim công, con báo, con đồi mồi, con cá voi, hoa sen, quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.

Đến năm Quý Mão (1843), vua Thiệu Trị, trong chuyến đi tuần ngang đây, đã sai khắc đá bài ngự chế và dựng ở bên sông Phổ Lợi. Vua dụ rằng: “Trước kia, ta đi tuần sang phía đông, nơi cương vực ngoài biển, đường đi qua sông Phổ Lợi, trông thấy dòng nước trong sáng, nhuần thấm các đồng ruộng màu mỡ, thực là lợi cho dân ta nghìn muôn đời, nhớ lại Hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, mưu lược rộng lớn, lo tính sâu xa, phòng thủ ngoài biển, coi trọng nghề nông, không việc gì là không chu đáo. Khi mới đào sông này, bỏ ra món tiền to để thuê nhân công. Nhân dân vui điều vui, lợi điều lợi, như con đến làm việc cho cha. Trông thấy sông Hà, sông Lạc thì nhớ công Đại Vũ. Thế là, đức trạch của Hoàng khảo ta phổ cập đến mọi người, nói sao cho xiết! Ta rất cảm mộ, có làm một bài thơ để ghi nhớ công việc ấy. Chuẩn cho bộ Công khắc vào đá, dựng bia, để tỏ dấu cũ thần thánh ở chỗ không cùng và để lại cho đời sau biết”.

THƠM QUANG