Đúng như mục tiêu đề ra, bên cạnh tạo điểm nhấn cho cảnh quan của Huế, cây cầu sau khi đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm cho cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân. Tuy nhiên, một thực tế khác lại nảy sinh cho vấn đề giao thông không thể không đề cập.

Do cầu Ga đang trong thời gian thi công nên hầu như tất cả lượng phương tiện lưu thông qua cầu ĐB Bạch Hổ từ bờ bắc qua bờ nam và ngược lại đều đổ dồn về tuyến đường Phan Chu Trinh. Tuyến đường này vốn hẹp, nay đột nhiên gánh một lượng xe cộ tăng đột biến nên đôi lúc trở nên quá tải. Lại nữa, trên một quãng ngắn chỉ vài trăm mét lại có đến 3 điểm giao cắt giữa đường Phan Chu Trinh với các tuyến Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ với lượng lưu thông không nhỏ nên thỉnh thoảng xảy ra ùn tắc cục bộ. Đặc biệt, cách các điểm giao cắt chỉ vài chục mét là những gác chắn đường sắt. Gặp những lúc tàu qua, gác chắn đóng. Đến khi hết tàu, mở chắn thì ùn tắc càng nghiêm trọng; lại càng đặc biệt tệ hại hơn nếu đó là giờ cao điểm vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều. Những lúc như vậy, dòng người xe có khi tưởng chừng như “đông cứng”! Va quệt, tai nạn, gây gổ giữa những người tham gia giao thông có thể nói là nguy cơ thường trực.
 
Số người chọn vượt sông Hương bằng cầu ĐB Bạch Hổ ngày càng nhiều. Việc lắp đặt các cụm đèn điều khiển giao thông tại các giao lộ nói trên là điều cần tính đến. Tuy nhiên, trong lúc “điều kiện chưa chín muồi”, thì việc có mặt các lực lượng chức năng tại đây để điều tiết giao thông, hạn chế ùn tắc và tai nạn là mong muốn của nhiều người.      
               
Huy Khánh