Chuyến tàu sát tết đi ra phía Bắc, khách đã vãn, nhiều người đã xuống các ga phía trong, nên ga Huế chẳng còn cảnh chen lấn. Tàu đúng giờ, chúng tôi chưa kịp mừng thì hai cô gác cửa đã chặn đứa cháu tiễn hai ông già, nhất quyết không cho xách dùm hành lý vô ga, mặc dù tôi nói rõ ông anh 93 tuổi, còn tôi cũng gần bát tuần; xin mua vé tiễn thì không bán, đề nghị cho người mang xách giúp thì bảo: “Hành lý chỉ có vậy, cần chi…” Đứa cháu đi tiễn - một học sinh lớp 11 chuyên Sử Trường Quốc Học Huế, đứng chôn chân ngoài cửa, bất lực, thất vọng, lí nhí kêu: “Họ không cho vô!” .

Phía trong cửa, hai ông già, hai ba lô, 4 túi xách và một bó hoa sen đứng phía trong ga, nài nỉ thêm không được rồi cũng phải lếch thếch lôi xách đồ đạc, chống gậy bước tới. Cũng may, lúc tôi “không còn tay” để dìu ông anh thì một hành khách đã dắt ông lên mấy tầng cấp… Vừa lọc cọc chống gậy cất bước một cách khó nhọc, ông vừa nói: “Ở các nơi, thấy ông già thế này, không cần nhờ cậy, đã có nhân viên đường sắt ra xách đỡ và dìu lên tàu…”

Sau Tết, có người nêu sự việc trên với lãnh đạo ga Huế và được giải thích: “Hành khách thông cảm vì có lệnh không cho người tiễn vì ngày tết quá đông…”. Xin hỏi: Lệnh có cấm việc trợ giúp người già không?

Nói cho công bằng, có thể đây chỉ là chuyện “cá biệt”; chứ trong lúc ngồi chờ tàu, ông anh tôi vừa nhắc chuyến đi từ Sài Gòn ra và khen: “Dạo này, nhân viên đường sắt cũng khá hơn, mình lên xuống tàu đều có người xách đồ, nâng đỡ…”

Cho dù vậy, chuyện “cá biệt” cũng nên được nêu lên; vì ở đời, đã có bao nhiêu vụ “cá biệt” làm ảnh hưởng cả một tập thể, bao nhiêu nhà xưởng thiêu rụi chỉ vì một tia lửa “cá biệt” lóe ra!

Trung Sơn