Đa phần trong số đó là những người làm ăn xa, tranh thủ dịp về quê ăn tết kết hợp làm các loại giấy tờ để kịp trở lại nơi làm việc. Nhiều vùng quê trở lại nhịp sống chậm khi chỉ còn người già, trẻ em. Điều đó cho thấy tình trạng ly nông, ly hương của người dân vì mưu sinh đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.
Việc làm là nhu cầu bức thiết của người lao động. Theo quy luật thị trường, nơi dễ kiếm việc làm, điều kiện lao động tốt và thu nhập cao thì sẽ thu hút nguồn nhân lực từ các nơi khác đến.
Ở Thừa Thiên Huế, trong những năm qua nhiều nhà máy, khu công nghiệp được đầu tư xây dựng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chính sách quan tâm đến người lao động nên đa số yên tâm với công việc, gắn bó với doanh nghiệp. Con số trên 95% lao động trở lại làm việc ngay những ngày đầu năm mới ở các khu công nghiệp chứng minh cho điều đó. Không những thế, nhiều lao động sau thời gian làm ăn xa nay trở lại làm việc ở quê nhà. Tôi từng trò chuyện với hai chị em ở Phường Đúc có thời gian làm công nhân may ở phía nam, nay trở về làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế. Các em thật lòng, sống xa quê vất vả đủ đường. Về quê làm việc tuy thu nhập thấp hơn, nhưng chi phí cũng đỡ tốn kém hơn và được gần gũi gia đình. Trong câu chuyện đầu năm với lãnh đạo một số doanh nghiệp dệt may, tôi được biết, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư mở rộng về các vùng nông thôn, miền núi như Nam Đông, A Lưới trong năm 2017 để thu hút lao động tại chỗ. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều lao động có thể tìm được cơ hội việc làm ngay tại quê nhà.
Ở chiều ngược lại, để có thể tìm được việc làm phù hợp, bản thân người lao động cũng phải chuẩn bị tâm thế, kỹ năng lao động để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Việc chọn ngành, chọn nghề phải có định hướng rõ ràng, phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường để tránh học một đường làm một nẻo hay cử nhân quay lại học nghề. Không đâu xa, mấy người cháu của tôi từng chọn ngành du lịch. Một người học lữ hành, nhưng cứ lên xe là nôn thốc nôn tháo. Sau đó phải học tiếp lớp mầm non và giờ cũng vui với nghề nuôi dạy trẻ. Người khác, chọn học chỉ vì thích được mặc áo dài đứng quầy lễ tân, nhưng trình độ ngoại ngữ chỉ ngang mức giao tiếp bằng…tay. Học xong không xin được việc làm phù hợp đành quay lại học may, giờ cũng chí thú với tiệm may nho nhỏ. Tự tạo việc cho mình cũng là một cách đáng khuyến khích. Với một bộ phận lao động nông thôn, hạn chế lớn không chỉ là thiếu tay nghề mà còn thiếu cả tác phong lao động công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải than trời chuyện cứ đến mùa gặt là nhiều lao động lại nghỉ việc để đi thu hoạch, trong khi đơn hàng không thể giao trễ…
Theo dự báo thời gian tới, thị trường lao động ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng tay nghề lao động. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng cũng có sự chuyển dịch về cơ cấu trình độ tay nghề, cung - cầu lao động sẽ có nhiều biến động, dẫn đến tình trạng nhiều lao động đơn giản thất nghiệp (hoặc mất việc làm). Để có việc làm ổn định, thu nhập tốt, trước tiên người lao động cần có sự chuẩn bị về trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ - tin học, kỹ năng làm việc. Đồng thời, các nhà quản lý, các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và thực hành sát với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Hoàng Giang