Trong đó có 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Sự đổi mới này khiến không ít người lo rằng đề thi tổ hợp sẽ tạo áp lực cho thí sinh trong việc ôn tập cũng như thi cử do khối lượng kiến thức khá lớn.
Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, thay vì thi các môn riêng lẻ, thí sinh phải thi theo dạng đề tổ hợp
Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, thay vì thi các môn riêng lẻ, thí sinh phải thi theo dạng đề tổ hợp. Cụ thể, bài thi Khoa học Tự nhiên tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học Xã hội tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục Trung học phổ thông và giảm bớt môn Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên. Tất cả các phần trong 2 bài thi tổ hợp đều được thi theo hình thức trắc nghiệm.
Đồng tình với cách đổi mới đề thi năm nay của Bộ Giáo dục – Đào tạo nhưng ông Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nhân Việt vẫn lo ngại về mức độ thích ứng của các thí sinh trong năm đầu đổi mới: “Bình thường các em thi mỗi buổi một môn và việc ôn tập của các em cũng đơn giản hơn. Bây giờ có khi các em thi một ngày 3 môn nên số lượng kiến thức các em phải ôn trong một thời gian ngắn sẽ nhiều. Thứ hai nữa là trong một buổi mà các em phải thi 3 môn thì áp lực cũng rất nặng nề”.
Để hỗ trợ tốt nhất cho các thí sinh, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm nay đã có nhiều thay đổi trong công tác giảng dạy và ôn tập. Trường Nhân Việt tổ chức phân lớp cho học sinh khối 12 theo các tổ hợp môn thi để sắp xếp thời khóa biểu thật hợp lý. Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng thêm tiết dạy và tổ chức kiểm tra định kỳ nhằm giúp các em làm quen với hình thức thi mới.
Cùng với việc tổ chức khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi của học sinh để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân còn đẩy mạnh bồi dưỡng, phụ đạo cho các em theo dạng đề thi mới.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các tổ chuyên môn lên kế hoạch tạo ra ngân hàng câu hỏi thật khoa học và sát với đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên về việc sử dụng phần mềm trắc nghiệm để soạn ra hệ thống câu hỏi khoa học, chính xác, sát với chương trình thi”.
Theo cô Lê Thị Hồng Quế, giáo viên bộ môn Địa lý, Trường Trung học phổ thông Thủ Đức, đổi mới là cần thiết nhưng mức độ đề thi cần được tổ chức như thế nào để đảm bảo rằng trong một thời gian ngắn các em có thể tiếp cận và giải quyết được tất cả kiến thức của 5 môn học. Với các thí sinh, cô Quế cho rằng, thay vì học thuộc lòng, các em cần phải thay đổi cách tiếp cận kiến thức mới có thể hoàn thành tốt bài thi.
Các thi sinh cần thay đổi cách tiếp cận kiến thức
Cô Quế nói: “Các em cần phải nắm được hệ thống kiến thức của cả chương trình và nắm được những tiểu tiết, từ khóa quan trọng. Điều quan trọng hơn cả là các em phải hiểu bài. Từ việc hiểu bài, các em mới có thể suy luận và đưa ra được những phương án nhanh nhất cho đáp án lựa chọn trong phần thi trắc nghiệm”.
Các trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực lên phương án giảng dạy và ôn tập nhằm giúp các em học sinh khối 12 tự tin bước vào kỳ thi lớn.
Theo VOV