Ngày 11 tháng Giêng âm lịch (7/2), tôi có việc phải đi tìm nơi sửa chữa một vài việc vặt. Đi đến đâu cũng nhận được lời từ chối nhẹ nhàng: "Chưa làm, còn nghỉ tết". Có hàng ngàn lý do khác nhau. Những người quanh năm làm lụng vất vả nghỉ thêm ít ngày tết cũng là dịp để hồi phục sức lao động. Số khác cật lực làm ăn vào dịp tết, mấy ngày sau tết muốn kéo dài thời gian xả hơi. Cũng có những người làm nghề dịch vụ thì đây là thời điểm nhàn rỗi... nên cũng nghỉ. Với cán bộ, công chức thì trừ số phải tiếp dân, giải quyết việc bắt buộc phải làm, có những trường hợp lại đi thăm thú lẫn nhau, tiệc tùng “gặp mặt đầu xuân”...

Người Việt có truyền thống đón Tết Nguyên đán từ xa xưa đến nay. Nghỉ tết, chơi tết và ăn tết đã trở thành tập tục ăn sâu trong tâm khảm của nhiều người. Nhưng ăn, chơi tết như thế nào vẫn phải tùy điều kiện kinh tế - xã hội để tết được vui chơi nhưng tiết kiệm. Đã trở thành thông lệ, trước tết là thời gian chuẩn bị cho tết, sau tết là thời gian ăn và chơi. Thế nên mới có thành ngữ: “Ba ngày tết, bảy ngày xuân”, “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Tết được nghỉ, xuân lại tiếp tục nghỉ. Có lẽ cấp độ ăn, chơi tết của người Việt sẽ được đưa vào kỷ lục Guinness thế giới chưa biết chừng.

Trước tết năm nay, có nhà văn đã đưa ra ý tưởng nhập tết dương lịch, âm lịch vào làm một và rút ngắn thời gian nghỉ tết. Sự việc này đã tạo nên cơn sốt “ném đá” vào chủ nhân đưa ra ý tưởng trên. Chúng ta chưa bàn đến những nội dung, nhưng tiết kiệm thời gian và tài chính với tết là điều cần suy ngẫm.

NGUYỄN TÙNG AN